Liều mình để cứu dân
“Khoán chui”-khái niệm vốn nổi tiếng những tháng, năm của “Đêm trước đổi mới” mà Hợp tác xã Đoàn Xá (HTX) là 1 trong những đơn vị dũng cảm đi đầu. 4 trong số 5 cán bộ, đảng viên của xã Đoàn Xá thời bấy giờ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, dám mạo hiểm liều mình cứu dân trước “giặc đói” năm xưa, giờ đã thành người thiên cổ. Tôi may mắn được gặp lại nhân chứng cuối cùng - ông Phạm Hồng Thưởng, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Thời kỳ “đêm trước đổi mới”, ông Thưởng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm HTX- người trẻ nhất trong Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy xã Đoàn Xá lúc ấy.
Ông Phạm Hồng Thưởng giờ an hưởng tuổi già tại quê nhà. Ảnh: Vũ Thị Hải
Khi Trung ương ra Chỉ thị 100, ở Đoàn Xá, năng suất lúa đã tăng lên 5 tấn/ha. Đoàn Xá được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đó là phần thưởng cao nhất và duy nhất cho tới hiện nay dành cho một chủ trương mạo hiểm, liều mình cứu dân của 1 tập thể Đảng ủy cấp xã dám nghĩ, dám làm...”. Ông Phạm Hồng Thưởng |
Nhớ như in từng chi tiết của câu chuyện hơn 40 năm về trước, ông Thưởng bồi hồi chậm rãi kể: Lúc đó, ông là chủ nhiệm HTX, bà con quen gọi là “Chủ nhiệm khoai lang” (vì đói và không có lúa gạo nên dân toàn xã phải ăn khoai). Xuất phát từ việc dân đói nên 5 người trong BTV Đảng ủy xã phải làm liều. Những năm đó, ruộng của HTX “cha chung không ai khóc”, lúa cấy xuống không được chăm sóc, năng suất rất thấp, chỉ đạt 2,7 tấn/ha.
“Vụ chiêm năm 1976 trời rét đậm. Mạ gieo chết hàng loạt. Nông dân bỏ ruộng, không chịu đi cấy vì là ruộng của HTX. Xã có 800ha ruộng lúa thì tới hơn 400ha bị bỏ hoang. Vụ đó, cả xã chỉ thu hoạch được 180 tấn thóc, chia cho hơn 7.000 khẩu, vị chi mỗi người chỉ được nhận 30kg thóc cho cả mấy tháng trời. Dân có nguy cơ đói...” - ông Thưởng ngậm ngùi.
Sau vụ mất mùa, ruộng bỏ hoang, ở Đoàn Xá nhiều người bỏ làng đi làm ăn xa; hơn 60 khẩu đi ăn xin khắp nơi; người ở lại rau cháo, mò của bắt ốc cầm cự qua ngày. Một bộ phận nhân dân đề nghị chia HTX ra để quản lý tốt hơn; một bộ phận khác lại đề nghị khoán sản phẩm, theo nguyên tắc đơn giản: Người nào làm thì có ăn, người nào không làm thì chịu đói.
Xót xa trước nghịch lý dân thì đói mà những cánh đồng bờ xôi ruộng mật lại bỏ hoang, ngày 10.6.1977, 5 cán bộ chủ chốt của xã gồm Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Điệng, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Ảo, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm HTX Phạm Hồng Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Kim Đé, Thường trực Đảng ủy Nguyễn Thị Choạng đồng lòng quyết tâm thực hiện theo đề nghị của dân: Giao ruộng và khoán sản lượng, 1 sào HTX thu 70kg thóc, ai thu hoạch được hơn thì hưởng. Mọi việc phục vụ như thủy lợi, phân, giống... vẫn do HTX lo. Bà con xã viên nhận mạ về cấy rồi chăm sóc, công cấy, công chăm sóc vẫn được tính điểm sau này được HTX chi trả. Phần thóc chi trả lấy trong số 70kg/sào nhận khoán. Vì thế nông dân Đoàn Xá gọi là “khoán tăng sản”.
Ban đầu làm thử, HTX chỉ dám giao mỗi lao động nửa sào ruộng, về đến đội sản xuất lại giao thêm thành thử mỗi gia đình nhận khoán từ 2-3 sào. Cả xã giao hơn 90ha, bằng hơn 10% diện tích. Được giao ruộng nông dân phấn khởi cấy hết diện tích.
“Năm đó, lúa được mùa, năng suất lên tới 4,5 tấn/ha. Cả xã vượt qua được cái đói. Năm sau, HTX khoán tăng diện tích lên tới 20%, năm sau nữa tăng lên 30%. Đến cuối năm 1979, xã quyết định tăng diện tích khoán lên tới 50%. Số ruộng còn lại cốt là để “che mắt” cấp trên. Người dân no ấm. Đoàn Xá từ 1 xã nghèo nhất huyện đã vươn lên tốp đầu của huyện. Chỉ có điều, ban lãnh đạo xã bị mang tội “khoán chui”, đi họp hành trên huyện không ai dám ngồi phía trên...
“Dân tôi no là được”
Cán bộ nông nghiệp xã Đoàn Xá hướng dẫn chăm bón lúa tại cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: B.H.P
Dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3.2.1980, huyện Kiến Thụy xét phát thẻ đảng viên. Các chỉ tiêu của Đoàn Xá đều đứng đầu nhưng xã khoán sản cho dân sai chính sách nên cả BTV Đảng ủy xã bị đình chỉ không được phát thẻ đảng. Tại hội nghị Đảng ủy xã sau đó, ông Thưởng nói cứng: “Thà không có thẻ đảng thì thôi, dân tôi no là được”.
Ông Thưởng bị 1 lãnh đạo huyện cảnh báo: “Các cậu đi bộ đội không chết, về quê vấp cọng rơm thì chết”. Quả nhiên, ông Thưởng suýt bị đưa ra kỷ luật vì phát ngôn sai quan điểm. May là sau đó, ông Đoàn Duy Thành (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) trong hội nghị gồm các bí thư, chủ tịch toàn thành phố có nói đại ý: Nói thế thì sai về quan điểm cần phải xem xét, nhưng suy đến cùng mục đích của Đảng ta là làm cho dân được no ấm, nên đồng chí Thưởng nói thế cũng có lý. Nếu được phát thẻ đảng mà dân đói thì việc phát thẻ chỉ là hình thức... Thế là ông Thưởng thoát nạn.
Việc khoán chui bị lộ. Huyện cử 5 đoàn cán bộ về “nằm vùng” để nắm tình hình. Các đoàn của huyện về báo cáo theo hướng phải kiên quyết kiểm điểm, kỷ luật. May là sau đó có chủ trương tách huyện. Đoàn Xá nhập về Đồ Sơn. Ông Bí thư Huyện ủy Đồ Sơn Nguyễn Đình Nhiên nói với ông Thưởng: “Tớ nghe nói các cậu làm cái gì sai lớn lắm”. Ông Thưởng nói: “Anh muốn biết tường tận thì mời về Đoàn Xá”.
Tối hôm ấy, ông Bí thư Huyện ủy về nhà ông Thưởng. Nghe ông Thưởng kể sự tình, Bí thư Nhiên giở sổ ra ghi ghi chép chép đến tận 11 giờ khuya. Sáng hôm sau, ông Nhiên ra thăm đồng. 327 mẫu ruộng đã khoán lúa tốt bời bời, đối nghịch với ruộng HTX èo uột, vàng hoe. Sau chuyến đi ấy, Bí thư Nhiên trực tiếp lên báo cáo ông Đoàn Duy Thành, xin cho huyện Đồ Sơn được làm điểm như Đoàn Xá. Nghe chuyện, ông Thành đích thân về Đoàn Xá, lại ra thăm đồng. Sự thật bày ra trước mắt, ông Thành phấn khởi đồng ý cho làm thí điểm. Tháng 5.1980, Huyện ủy Đồ Sơn ra Nghị quyết 05 cho triển khai khoán sản tới toàn huyện với 50% diện tích vụ mùa.
Cơ sở cho đổi mới
Ông Thưởng nhớ lại: “Chỉ vài tháng sau, tháng 7.1980, Thành ủy Hải Phòng có Nghị quyết số 24, cho triển khai khoán 100% diện tích trên toàn thành phố. Thế là động đến T.Ư. Ông Nguyễn Ngọc Trìu- lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp về dự Đại hội HTX nêu quan điểm ủng hộ chủ trương khoán.
Ông Lê Nhật Quang lúc đó là Phó ban Kinh tế T.Ư được Ban Bí thư cử về Đoàn Xá kiểm tra, “nằm vùng” hẳn 1 tháng. Sau ông Quang, ông Nguyễn Huy - Trưởng ban Kinh tế T.Ư, người đã đi học ở Trung Quốc 9 năm, đã đích thân về Đoàn Xá. Ông Huy công nhận mô hình khoán tăng sản ở Đoàn Xá có nhiều cái được... Rồi liên tiếp các đoàn kiểm tra về Đoàn Xá nghiên cứu và tới tấp gửi báo cáo tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thúc đẩy Trung ương ra Chỉ thị số 100 ngày 13.1.1981 về cải tiến công tác khoán mở rộng sản phẩm - một chính sách làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp nước nhà.