Một số người tại địa phương đã kỳ thị, xa lánh, đòi cách ly những người bị bệnh này ra khỏi cộng đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, từ ngày 3- 6.9, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã cử ngay đoàn cán bộ chuyên môn xuống cơ sở. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Điện Biên: Khoảng 40 bệnh nhân đều là người dân tộc Mông ở xã Sín Chải (Tủa Chùa), hầu hết trong độ tuổi lao động, trong đó có 27 bệnh nhân là nữ, có chung biểu hiện lâm sàng chính là cảm giác kiến bò toàn thân, xuất hiện 1 - 2 lần/ngày nhưng không ngứa; người mệt mỏi, đau mỏi các khớp, kém ăn; da và niêm mạc hồng nhạt, không có nốt xuất huyết dưới da, một số trường hợp bị phù nhẹ 2 chân. Hầu hết các bệnh nhân đều có rối loạn cảm giác nông cơ năng.
Qua thăm khám lâm sàng và điều tra dịch tễ cho thấy, đây là dấu hiệu của sự thiếu hụt vitamin B1 ở người bệnh; không có các yếu tố liên quan đến việc lây nhiễm bệnh truyền nhiễm. Hiện các cán bộ y tế đã điều trị khỏi cho 12 bệnh nhân, đang tiếp tục điều trị cho 28 người.
Ông Đoàn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Loại bệnh trên thường xảy ra với các đối tượng lao động nặng nhọc, không được bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất vi lượng như kali, magiê... Đối tượng thường mắc là phụ nữ sau thời kỳ sinh sản. Nguyên nhân là do địa phương này vốn thiếu nước nên lượng rau, củ, quả được sử dụng hàng ngày rất hạn chế, không được bổ sung đầy đủ. Đây là loại bệnh thông thường do thiếu chất dinh dưỡng, điều trị không có gì phức tạp.
Để phòng chống loại bệnh này, người dân nên sử dụng gạo mới và chế biến phù hợp để giữ lại nguồn vitamin trong lớp vỏ cám, sử dụng đầy đủ nguồn rau xanh và các loại thực phẩm có chứa khoáng chất; hạn chế lao động nặng nhọc quá sức.
Đào Lê