Cùng kỳ năm ngoái Thaco nắm giữ 43% thị phần ô tô trong nước tuy nhiên tính đến hết tháng 8/2017 con số này chỉ còn 36,8%. Cộng dồn 8 tháng đầu năm Thaco bán được 60.956 xe ô tô các loại, giảm 11.559 xe so với cùng kỳ năm 2016 (72.515 xe). Đáng chú ý là tất cả các nhãn hiệu do Thaco lắp ráp và phân phối đều sụt giảm. Mức sụt giảm cao nhất thuộc về thương hiệu xe hơi Peugeot với mức 55%. Mức sụt giảm thấp nhất là Thaco bus cũng ở mức 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói là việc điều chỉnh giá khá linh hoạt, giảm giá mạnh mẽ của 2 thương hiệu Mazda và Kia của Thaco chưa phát huy được hiệu quả. Cả Vina Mazda và Thaco Kia đều có mức sụt giảm 2 con số lần lượt là 17% và 22% so với cùng kỳ năm 2016.
Động thái điều chỉnh linh hoạt giá Mazda và Kia cũng không giúp Thaco giữ được thị phần
Ở chiều hướng ngược lại Toyota Motor Việt Nam (TMV) lại đang tăng trưởng tương đối ổn định. TMV đã bán được 40.330 xe (đã bao gồm cả Lexus) kể từ đầu năm và đang nắm giữ 24,4% thị phần ô tô trong nước (theo báo cáo VAMA). Như vậy, TMV đã tăng gần 4% thị phần ô tô trong nước so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy đang có mức tăng trưởng khá tốt nhưng hiện tại thương hiệu Lexus lại đang có mức sụt giảm khá sâu. Lexus Việt Nam chỉ bán được 607 xe trong 8 tháng đầu năm 2017 sụt giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái (1.251 xe).
Toyota Việt Nam đang bay cao nhờ đôi cánh Vios và Fortuner trong 8 tháng đầu năm 2017
Thành công của TMV năm nay phải kể đến việc Toyota đã chuyển đổi từ lắp ráp (CKD) sang nhập khẩu mẫu SUV Fortuner từ Thái Lan. Fortuner liên tục dẫn đầu phân khúc SUV kể từ khi được bán ra, doanh số bán hàng của mẫu xe này luôn duy trì hơn 1.000 xe/tháng. Toyota Fortuner hiện vẫn đang là mẫu xe bán chạy thứ 2 tại thị trường Việt Nam kể từ đầu năm (10.820 xe) và chỉ đứng sau người anh em Toyota Vios (13.365 xe).
Tuy chưa thể đánh giá kết quả cuối cùng trong cuộc đua kích cầu, dành thị phần giữa các thương hiệu ô tô lớn nhất Việt Nam bởi vẫn còn "dư địa vàng" trong những tháng cuối năm để các hãng gia tăng doanh số. Tuy nhiên kết quả doanh số trong 8 tháng đầu năm cũng cho thấy mức độ hiệu quả của những cơn bão giảm giá mà các doanh nghiệp liên tiếp tung ra trong thời gian qua.
Cũng có thể đối với hãng xe nào đó, việc giảm giá bán đôi khi không hẳn chỉ nhằm kích cầu mà còn muốn xác lập một mặt bằng giá xe trong nước nên doanh số chưa hẳn là mục tiêu cuối cùng. Điều này đặc biệt được chú ý khi ngưỡng cửa của nhiều chính sách mới sắp chính thức được áp dụng và cuộc đua về giá được dự báo sẽ quyết liệt hơn.