Khoảnh khắc trò chuyện thân mật giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Nga Putin (trái)
Theo hợp đồng mua S-400 được ký, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt cọc tiền và tới đây, Nga sẽ chuyển khoản tín dụng cho Thổ Nhĩ Kỳ vay.
"Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều rất quyết tâm về vấn đề này" - ông Erdogan khẳng định.
Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật quân sự Liên bang Nga cũng đã ra thông báo về việc đạt được thoả thuận chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ song không tiết lộ chi tiết thỏa thuận vì độ nhạy cảm của vấn đề.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được thiết kế để tiêu diệt phi cơ chiến đấu chiến lược và chiến thuật, tên lửa đạn đạo, các mục tiêu siêu thanh và những phương tiện tấn công đường không khác của đối phương. Nhìn chung, hệ thống này có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong tầm kiểm soát đến hơn 400 km
Theo New York Times, thỏa thuận trên phản ánh Thổ Nhĩ Kỳ đang nối lại quan hệ gần gũi với Nga bất chấp những khác biệt về vấn đề Syria và đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa chính quyền Erdogan và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu trở nên căng thẳng.
Nó chắc chắn sẽ gây ra lo ngại ở Washington và Brussels, nơi mà các quan chức phương Tây đang cố ngăn Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên "cá biệt" của NATO rơi vào vòng ảnh hưởng của Nga.
NATO không cấm các thành viên mua phần cứng quân sự từ các nhà sản xuất ngoài khối. Tuy nhiên, NATO không khuyến khích thành viên mua trang thiết bị quân sự không tương thích với những hệ thống đang được các thành viên khác sử dụng.
Một quan chức NATO tại Brussels, trụ sở của khối nhấn mạnh, không có nước thành viên NATO nào hiện sử dụng hệ thống tên lửa của Nga và NATO chưa được thông báo chi tiết thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký với Nga.
"Điều quan trọng đối với NATO là trang thiết bị các thành viên mua có thể hoạt động được cùng với nhau. Khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang của khối là cần thiết để NATO tiến hành các hoạt động của mình", quan chức này nhấn mạnh.