Sáng ngày 15.9, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư Nguyễn Viết Tiến đã mổ đẻ cho thai phụ mắc bệnh tan máu bẩm sinh được can thiệp sinh con bằng phương pháp tách phôi và thụ tinh trong ống nghiệm.
Trước đó, cuối năm 2016, cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số là chị Hồ Y.T, 38 tuổi và chồng 36 tuổi, đến từ Gia Lai đã được các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Trung ương tách phôi thụ tinh trong ống nghiệm. Đến ngày 5.1.2017 phôi làm tổ trong tử cung.
Tiền sử sản khoa của cặp vợ chồng này cho thấy, năm 2012 chị Y.T phải đình chỉ thai nghén ở tuần 23 và năm 2014 phải đình chỉ thai nghén ở tuần 24 vì bị phù thai – một biến chứng do bệnh tan máu bẩm sinh gây ra.
Sơ đồ mô tả di truyền bệnh tan máu bẩm sinh. ẢNh: I.T
Sau khi được xét nghiệm cho thấy cả hai vợ chồng đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh viện đã cho làm kỹ thuật thuật tác và sàng lọc phôi. Kết quả lấy được 7 phôi, trong đó có 3 phôi mang gen bệnh, 2 phôi yếu, 2 phôi bình thường.
Các bác sĩ đã cho cấy phôi bình thường vào tử cung của bệnh nhân Y.T, kết quả phôi phát triển nhanh, không gặp bất lợi. Kết quả, tới hôm nay (15.9) bệnh nhân được mổ lấy con. Vợ chồng chị Y.T đã sinh được một cậu con trai nặng 3,2kg.
Người nhà chị Y.T tặng hoa cảm ơn bác sĩ Bệnh viện phụ sản Trung ương. Ảnh: Thuỳ Anh
PGS. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, với những cặp vợ chồng cùng mắc bệnh tan máu bẩm sinh thì xác suất con bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh là rất lớn. Hậu quả, nếu sinh con theo phương pháp bình thường, không được can thiệp bằng việc tách phôi, thụ tinh trong ống nghiệm thì nguy cơ thai nhi tử vong là rất cao.
PGS Tiến khuyến cáo: “Những cặp vợ chồng trước khi kết hôn, hoặc kết hôn và có ý định sinh con nên khám sức khoẻ sinh sản. Nếu mắc bệnh hoặc có gen bệnh tan máu bẩm sinh thì nên làm thụ tinh trong ống nghiệm để chọn lọc những phôi bình thường thụ tinh. Điều này sẽ làm giảm áp lực, gánh nặng cho gia đình và xã hội tránh nguy cơ con của họ mắc bệnh tan máu bẩm sinh”.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết thêm, hiện chi phí cho một ca can thiệp tách phôi, thụ tinh trong ống nghiệm theo phương pháp chẩn đoán di chuyền trước chuyển phôi (PGD) trong thụ tinh ống nghiệm là không cao, chỉ khoảng 100- 110 triệu đồng/1 ca can thiệp. Với chi phí này, các cặp vợ chồng ở Việt Nam hoàn toàn có thể lo được.
Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền bẩm sinh, có đặc điểm chung là tan máu thường xuyên dẫn tới thiếu máu. Bệnh còn khiến nhiều trẻ sơ sinh sinh ra mắc bệnh dị tật bẩm sinh về đầu, não. Trên thế giới có khoảng 7% dân số mang bệnh tan máu bẩm sinh. Còn tại Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em mắc bệnh này. |