Dân Việt

Cần làm rõ trách nhiệm những người để 2 tử tù trốn khỏi trại giam

Thành An 15/09/2017 11:56 GMT+7
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định một số cán bộ quản giáo, chiến sĩ thuộc Trại giam T16 - Bộ Công an đã thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, giám sát, canh gác phạm nhân.

Thông tin từ Viện KSND Tối cao cho biết, ngày 14.9, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn (theo Điều 301 Bộ luật Hình sự năm 1999) để điều tra vụ hai tử tù bỏ trốn xảy ra tại Trại tạm giam T16, Bộ Công an.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cơ quan điều tra đã xác định một số cán bộ quản giáo, chiến sĩ thuộc Trại tạm giam T16 - Bộ Công an đã thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý, giám sát, canh gác phạm nhân, để cho 2 tử tù Lê Văn Thọ (37 tuổi) và Nguyễn Văn Tình (28 tuổi) bỏ trốn.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Tình và Thọ đã lợi dụng sơ hở, phá cùm chân, đào tường buồng giam số 3, khu D và trốn thoát khỏi Trại Tạm giam T16, Bộ Công an đêm ngày 10 rạng sáng 11.9.

Hiện tại, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng truy bắt 2 tử tù.

img

Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm để 2 tử tù bỏ trốn.

Liên quan đến vụ việc này, TS Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao - cho rằng, pháp luật quy định về việc giam giữ người bị kết án tử hình hết sức chặt chẽ về bảo đảm buồng giam, phương tiện giam, việc giám sát, trách nhiệm của giám thị trại giam, cán bộ quản giáo, trình tự, thủ tục, thời gian cùm chân người tử tù.

Nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao cho hay, theo quy định về việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình của Bộ Công an, buồng giam tử tù phải được xây dựng kiên cố, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24h…

Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ - kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời người bị kết án tử hình trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác.

Hàng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam, kiểm tra suốt, móng cùm người bị kết án tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam người bị kết án tử hình…

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án trốn khỏi nơi giam giữ xảy ra tại trạm giam T16 Bộ Công an.

Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn Thọ - biệt danh "Thọ sứt" (37 tuổi, trú tại xóm 6, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) để điều tra cùng với tội danh Trốn khỏi nơi giam, giữ quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự.

Thọ và Tình cùng bị giam trong một phòng biệt giam tại T16, cả hai cùng nhau bỏ trốn khỏi nơi giam giữ.

Khi bỏ trốn, hai đối tượng này điều khiển xe máy hiệu Dream mang BKS 29X – 2817, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.

Được biết, Lê Văn Thọ có 4 tiền án về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Còn Nguyễn Văn Tình bị TAND TP.Hà Nội kết án tử hình ngày 27.4.2017 về tội mua bán trái phép chất ma túy trong đường dây mua bán 170 bánh heroin giấu trong các bình gas công nghiệp. Trước đó, Tình từng có một tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo thông báo, Thọ cao khoảng 1,65m, dáng người đậm, có râu quai nón, tóc cắt ngắn, dựng. Khi trốn trại mặc áo sơmi dài tay dạng kẻ ô màu tro, quần bò (quần jean) dài màu xanh. Nguyễn Văn Tình cao khoảng 1,70m, dáng người gầy, tóc cắt ngắn.

Theo Dân Trí: Nhận định về vụ việc 2 tử tù đào tẩu khỏi trại giam, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh (Đoàn luật sư Hà Nội) - cho rằng, đây là một sự cố hy hữu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của 2 đối tượng đã phạm tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

“Đối với trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân (quản giáo) bỏ trốn, cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý để có hình thức xử lý phù hợp” - Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh cho hay.

Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, nếu cán bộ trực tiếp quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình mà người bị giam, giữ vẫn trốn được thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội.

Tùy theo tính chất mức độ sai phạm, quản giáo có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 Bộ luật Hình về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn”.

Đối với tội danh trên, quản giáo phải đối mặt với mức án đến 7 năm tù. Thậm chí, nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quản giáo có thể phải chịu mức án tới mười năm tù.

“Nếu trường hợp có sự cấu kết, thông đồng từ các đối tượng đang bị giam, giữ hoặc giữa các đối tượng thân quen bên ngoài với các quản giáo để cho phạm nhân bỏ trốn, quản giáo sẽ phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ” theo Điều 311 Bộ luật Hình sự” - luật sư Tuấn phân tích.

Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, nếu các đối tượng bên ngoài có sự thông đồng bằng lợi ích vật chất với các cán bộ quản lý giam giữ để cho các đối tượng bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 289 và tội “Nhận hối lộ” theo Điều 279 Bộ luật Hình sự.

Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải.