Nổ long trời lở đất
“Mới sáng sớm, đất trời rung chuyển sau tiếng nổ lớn chưa từng thấy. Một cột khói khổng lồ dựng lên trên biển, cháy tới 3 ngày đêm…” - cụ bà Võ Thị Phải (82 tuổi), một cư dân bám trụ ở Ninh Vân ngày ấy, kể lại sự kiện tàu không số ký hiệu 235 của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Tiếng nổ làm rung chuyển đến tận TP.Nha Trang cách đó vài chục cây số, làm đứt đôi con tàu, hất tung nửa tàu lên núi Bà Nam cách vị trí nổ vài trăm mét và cao hơn mặt nước biển khoảng 200m.
Các chiến sĩ tàu 235 sống sót trở về, từ trái qua: Nguyễn Duy Phong,Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thập. |
Ngày 1.3.1968, dù bị lộ từ trước nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn chỉ huy đưa được tàu không số ký hiệu 235 chở gần 14 tấn vũ khí vào sát bến Ninh Vân. Anh quyết định cho thả hàng chìm xuống nước để quân dân ở bến vớt sau. Khoảng 1 giờ 30, tàu 235 bị 7 chiến hạm của địch vây chặt từ phía sau, phía trước là núi Hòn Hèo. Thuyền trưởng Phan Vinh cho tàu rời khỏi vị trí thả hàng để bảo vệ số vũ khí đã thả. Tàu địch và máy bay tiếp viện đuổi theo, bắn dữ dội. Thủy thủ trên tàu 235 bắn trả quyết liệt làm một tàu địch bốc cháy.
Về phía ta, có 5 người hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh dù máu chảy đầy mặt do đạn sượt qua đầu nhưng vẫn chỉ huy phá vòng vây. Nhưng máy tàu bị địch bắn hỏng nặng. Anh lệnh toàn bộ rời tàu, đưa người đã hy sinh, bị thương vào bờ, và điểm hỏa cho nổ tàu.
Sau tiếng nổ long trời lở đất của 3 tấn thuốc, con tàu đứt làm đôi, một nửa bị hất văng lên núi, nửa còn lại chìm xuống biển.
Những người hùng trong lòng dân
Kể về tàu không số 235, ông Nguyễn Bá Cường (67 tuổi, Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa), nguyên là Trạm trưởng Trạm xá căn cứ Hòn Hèo, sau này từng là Bí thư Huyện ủy huyện Ninh Hòa, rất tự hào: “Những ngày được chăm sóc các thủy thủ còn lại của tàu 235 là những ngày đáng tự hào nhất cuộc đời tôi. Với tôi và người dân Ninh Vân, anh hùng Phan Vinh và 13 thủy thủ ấy không chết, tên anh đã thành tên trường, tên đường, tên một đảo thuộc quần đảo Trường Sa…”.
Vợ chồng ông Cường, bà Hương kể lại sự kiện tàu 235 ngày 1.3.1968. |
Ngay sau tiếng nổ kinh hoàng, máy bay địch bắn phá dọn đường rồi thả hàng ngàn bộ binh càn quét. Về phía ta, sau khi lên bờ, 9 thủy thủ còn lại chia làm hai cánh. Thuyền trưởng Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt chặn ở cánh Nam để cho 7 người khác rút lên núi. Sau này, người dân Ninh Vân đã tìm đến nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của hai anh. Các anh hy sinh ở tư thế nằm vươn người về phía trước như đang chiến đấu… Năm đó thuyền trưởng Phan Vinh vừa tròn 35 tuổi, chưa một lần yêu.
Bảy người đi theo cánh Bắc, gồm thuyền phó Đoàn Văn Nhi và sáu thủy thủ. Tất cả đều thương tích đầy mình. Họ dìu nhau di chuyển nhiều ngày trong rừng, đói và khát. Ngày thứ 11, anh Khung đi tìm nước uống, bị địch bắt. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi bị thương quá nặng đành phải ở lại. Ngày thứ 12, các thủy thủ liên lạc được với du kích, quay lại đón anh Nhi nhưng anh không còn ở đó nữa. “Sau năm 1975, người dân Ninh Vân phát hiện trong một hang đá có một bộ hài cốt, bên cạnh còn khẩu K54, được xác định là của anh Nhi” – ông Nguyễn Bá Cường rưng rưng kể.
Bà Phạm Thị Hường (65 tuổi) - vợ ông Cường, tiếp lời: Năm 1967, tôi được tổ chức bí mật rút về Ninh Vân làm y tá cho đơn vị bến K67 Ninh Vân. Khi xảy ra chiến sự, đơn vị bến tổ chức ra đón anh em nhưng bị địch bắn phá ác liệt. Đơn vị đành di tản. Sau đó, tôi bị lạc trong rừng 2 ngày, đói và khát… Vậy mà, các thủy thủ tàu 235 đã bị lạc trong rừng đến 12 ngày. Các anh khát đến nỗi, thậm chí không tiểu ra nổi để mà uống…”. Bà Hường kể tiếp trong nước mắt: “Riêng những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Bà con Ninh Vân đã đưa họ về làng chôn cất…”.
Những ngày đón 5 thủy thủ còn lại của tàu 235 về trạm xá chăm sóc là những ngày tháng đói khổ tột cùng. Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều đã bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài mà vẫn không đủ no. Nhưng, 5 “người hùng” tàu 235 luôn được dân dành phần ăn nhiều nhất để phục hồi sức khỏe…
“Ngày chia tay, anh Lâm Quang Tuyến nói với tôi rằng, những cái tăng, võng mà tôi đã khâu tặng các anh sẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời thủy thủ tàu 235…” - bà Hường không ngăn được nước mắt…
Xã “không số”
Năm 2009, ngay sau khi thông tuyến con đường vượt qua dãy Hòn Hèo vào đến xã đảo Ninh Vân, những thủy thủ tàu không số đã có dịp cùng vợ chồng ông Cường trở về chiến trường Ninh Vân năm nào.
Thắp hương tại di tích xác tàu không số 235 trên núi Bà Nam. |
Ngày chiếc tàu không số 235 cập bến, Ninh Vân xa xôi, hẻo lánh, chỉ 7 hộ dân kiên cường bám trụ nay đã có trên 390 hộ. “Xã không số” Ninh Vân ngày nào, vốn chỉ được biết đến vì gắn với sự kiện tàu không số, nay đẹp như tranh vẽ. Những gành đá hiểm trở ngày xưa của Ninh Vân đã làm nên những khu du lịch hạng sang nổi tiếng.
Bãi cát mênh mông trắng, bỏ hoang hóa ngày nào đã được cải tạo trồng hàng chục ha tỏi, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Đồi hoang nơi xảy ra trận càn năm xưa đã là nơi trồng cỏ voi và chăn thả trên 1.200 con bò. Bến Ninh Vân, nơi xảy ra chiến sự ác liệt của tàu không số 235 trở nên tấp nập vào mùa thu rong mơ, đem về cho người dân gần 7 tỷ đồng/năm. Mặt nước trước bến được nhiều hộ đầu tư nuôi tôm hùm, rong sụn, cá biển … rất có hiệu quả.
Chủ tịch xã Trà Thị Bông Sen, vốn là con gái của một cán bộ cách mạng từng cùng gia đình kiên cường bám trụ ở Ninh Vân ngày nào, cho biết: Năm nay, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đoàn tàu không số tại đây. Nhân dân Ninh Vân sẽ được đón đoàn cựu binh của đoàn tàu không số từ Bắc chí Nam đến thăm. Đặc biệt chúng tôi sẽ được gặp lại 5 thủy thủ tàu 235 năm xưa…
Mai Khuê