Buổi giao lưu giữa 3 CLB ND phòng chống tội phạm xã Liên Mạc, Cẩm Chế và Tiền Tiến không chỉ là dịp các đội trổ tài văn nghệ mà còn là diễn đàn để hội viên, ND chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phòng chống, ngăn ngừa tội phạm...
Một cảnh trong tiểu phẩm chèo “Chồng rượu, vợ đề” của CLB ND phòng chống tội phạm xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà. |
Trong ấm ngoài êm
Anh Trịnh Minh Nhân, thành viên CLB phòng chống tội phạm xã Liên Mạc chia sẻ: "Ngăn ngừa phát sinh tội phạm hoặc các hành vi dẫn tới tội phạm nòng cốt vẫn là gia đình, dòng họ. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ mẫu mực, chăm nuôi dạy dỗ, hướng con cháu tới sự thành đạt, dòng họ tôn ti trật tự, nhường nhịn đoàn kết thì làng xóm ắt bình yên".
Xã Liên Mạc có 4 làng, 12 dòng họ với hơn 8.000 dân. Xã có 9 tổ an ninh trật tự tự quản mà thành viên nòng cốt là hội viên, ND. Sau phần trả lời xuất sắc câu hỏi về vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, chị Nguyễn Thị Hồng Loan, thành viên CLB ND phòng chống tội phạm xã Tiền Tiến chia sẻ: "Xã hội phát triển, đời sống ở nông thôn cũng đang đổi thay từng ngày nên không thể tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Gia đình, dòng họ là cái gốc để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ. Cốt lõi của công tác hòa giải là phát hiện và giải quyết mâu thuẫn khi mới phát sinh, chưa có xung đột nghiêm trọng, lấy cái tình để vận động, thuyết phục".
Xã Liên Mạc và Cẩm Chế có tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá mạnh, với những nông sản hàng hóa nổi tiếng như ổi Bo, vải thiều, quất quả. “Người dân có nghề, có việc, thu nhập ổn định, đời sống khá giả, có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học-đó là nền tảng của nông thôn trù phú, yên bình" - bác Trần Văn Tính, cán bộ nghỉ hưu ở xã Liên Mạc, khán giả tham dự giao lưu tâm sự.
Dễ nhớ dễ vận dụng
Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của khán giả trong buổi giao lưu là phần trình diễn các tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống tội phạm của 3 CLB. Tiểu phẩm chèo “Chồng rượu, vợ đề” của CLB xã Cẩm Chế khiến nhiều người xúc động. Bão lô đề tràn về quê, người vợ ham mê đỏ đen, ông chồng chán đời rượu chè be bét, con cái không nơi bấu víu. Tình tiết dòng họ, làng xóm xúm vào can ngăn, khuyên giải, giúp đỡ, gia đình hàn gắn, đoàn tụ được các diễn viên diễn tự nhiên.
Chị Phạm Thị Dung, thành viên CLB ND phòng chống tội phạm xã Cẩm Chế cho biết: “Chúng tôi nghĩ ra kịch bản gần với thực tế ở nông thôn. Lời thoại phải chau chuốt gần với lời ăn tiếng nói của ND... Tiểu phẩm không chỉ là một sản phẩm tuyên truyền mà còn phải là một tác phẩm văn nghệ, có vậy mới dễ “ngấm” vào tâm trí người xem”.
Anh Nguyễn Xuân Hiên
Đóng vai ông chồng rượu chè bê tha nhưng ngoài đời anh Nguyễn Xuân Hiên, thôn Du La, xã Cẩm Chế là một người chồng, người cha mẫu mực, chăm chỉ: “Nhà tôi trồng 2 sào ổi, 5 sào quất, sáng sớm tôi đã ra ruộng. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi ngoài ruộng tôi kiểm tra lại kiến thức, luật về phòng chống tội phạm, nhẩm lời thoại của tiểu phẩm”- anh Hiên chia sẻ.
Tham dự giao lưu với tư cách là khách mời, thượng tá Tăng Bá Tùng - Trưởng Công an huyện Thanh Hà và một số lãnh đạo các phòng chuyên môn của Công an tỉnh Hải Dương rất thích về cách tuyên truyền về phòng chống tội phạm của hội viên, ND. “Một người học nhưng khi giao lưu thì có hàng trăm người cùng nghe, cùng biết. Các tiểu phẩm ND xây dựng rất gần gũi với đời thường, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, vì thế hiệu quả tuyên truyền rất cao...” - thượng tá Tăng Bá Tùng khẳng định.
Phương Đông