Dân Việt

Nước mắt nhà nông chảy dài sau bão số 10

3 ngày sau khi cơn bão số 10 đi qua, dù nỗ lực khắc phục nhưng cảnh tượng tan hoang do cơn bão dữ để lại dường như vẫn còn nguyên vẹn ở nhiều tỉnh thành miền Trung. Đặc biệt, nhiều nông dân đầu tư lớn vào trồng cây đặc sản, chăn nuôi đang rơi nước mắt, buốt lòng vì sản xuất bị thiệt hại.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ngày 17.9, phóng viên Báo NTNN - Dân Việt trở lại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - nơi sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 10. Xã Phúc Trạch và Hương Trạch là vùng chủ lực trồng cây bầu dó tạo trầm và cây ăn quả như bưởi, cam. Cơn bão số 10 đã cướp đi tất cả tài sản của người trồng trọt nơi đây.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Tính (trú xã Phúc Trạch) có hơn 500 cây dó bầu bị gãy đổ do bão. Ngoài cây dó bầu, anh chị còn mất trắng hàng trăm cây cam, bưởi đã đến độ thu hoạch. “Không chỉ dó bầu bị quật ngã mà cam, bưởi cũng bị vùi nát. Bao công sức của hai vợ chồng trong suốt bấy năm qua tàn tành mây khói” - anh Tính ủ rũ.

img

  Bà Nguyễn Thị Việt (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) xót xa bên những cây bưởi bị bật gốc, tiêu tan nguồn sống của gia đình bà. ảnh: Nguyễn Duyên

Chung cảnh ngộ như vợ chồng anh Tính, bà Nguyễn Thị Hường (xã Phúc Trạch) đứng tần ngần bên vườn dó bầu bị bão quật gãy ngang. “Cứ ngỡ cuộc sống sẽ sang trang nhờ công sức hàng chục năm qua nhưng bão số 10 đã làm tiêu tan tất cả” - bà Hường vừa nói vừa khóc.

Bà Trần Thị Đào (68 tuổi, xã Phúc Trạch) cũng chua xót: “Gia đình 6 miệng ăn trông chờ vào 3.000m2 đất trồng dó bầu này. Vườn dó bầu đã có tuổi từ 5 - 15 năm bị bão quật gãy tới hơn nửa. Tới đây, gia đình tôi không biết bấu víu vào đâu...”.

Tại vùng bưởi xã Hương Trạch, bà Nguyễn Thị Thìn (thôn Ngọc Bội) nhìn những cây bưởi lủng lẳng quả nhưng bị bão làm cho bật gốc, nghẹn giọng: “Mất trắng cả rồi cô chú ơi. Những gốc bưởi này phải nhổ bỏ thôi”.

Vừa sắp lại những quả bưởi nhặt từ vườn vào, anh Chiến - nông dân trồng bưởi tại thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, buồn bã: “Ngoài vườn bưởi đã rụng, nát này, từ đầu năm, tôi cũng mua thêm một số gốc bưởi của các hộ dân lân cận. Giờ chỉ còn nước bán, vớt vát được đồng nào hay đồng nấy thôi. Tôi mất trắng rồi…”.

Còn tại các xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh của thị xã Kỳ Anh, dù được ngư dân chằng chéo cẩn thận nhưng hàng chục chiếc thuyền với trị giá mỗi chiếc trên 200 triệu đồng, cũng bị bão đánh tan nằm chơ vơ trên bờ đê.

Anh Phạm Văn Lương (thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh) nước mắt lưng tròng: “Tàu cá của gia đình tôi mới mua ở Bình Định về vừa ra khơi được 2 lần. Nghe tin bão, tôi lái tàu chạy như bay về bờ, vào tránh trú ở sông Kỳ Hà, nhưng tàu vẫn bị bão đánh bật ra giữa sông và chìm nghỉm. Muốn vớt tàu phải mất 200 triệu, mà tôi chưa biết đào đâu ra tiền”.

Ngư dân Nguyễn Xuân Hợi (trú tại xã Kỳ Hà) cho biết: “Ở Kỳ Hà và Kỳ Ninh không có âu thuyền tránh bão, chỉ có một khúc sông ở Kỳ Hà để neo đậu tàu thuyền. Sức gió của cơn bão số 10 quá khủng khiếp nên tàu thuyền nào chịu cho nổi khi không có âu thuyền tránh trú. Giờ đây, nhìn hình dạng con tàu tan nát mà tôi đau xót quá. Biết khi nào tôi mới lại được ra biển trở lại?”.

Không còn gì…

Nghe tin bão, tôi lái tàu chạy như bay về bờ, vào tránh trú ở sông Kỳ Hà, nhưng tàu vẫn bị bão đánh bật ra giữa sông và chìm nghỉm. Muốn vớt tàu phải mất 200 triệu, mà tôi chưa biết đào đâu ra tiền”.
Ngư dân Phạm Văn Lương

Tại Quảng Bình, khi phóng viên NTNN có mặt tại xã Quảng Châu, huyện Bố Trạch, cảnh tượng tan hoang chưa từng có vẫn hiện hữu nơi đây cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10.

“Mưa xối xả cả ngày kèm theo đó là những tiếng rít của gió, bầu trời trắng xóa, cây cối đổ gãy, ngói trên mái nhà bay không còn một viên nào. Một quang cảnh khủng khiếp chưa từng có, từ lúc tui sinh ra đến chừ mới thấy”- bà Đặng Thị Dọn (75 tuổi, thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) nói trong nước mắt.

Theo thống kê sơ bộ của xã Quảng Châu, có tới hơn 90% những ngôi nhà ngói trong xã này đã bị bão số 10 tốc mái. Hơn hai chục căn nhà bị xô đổ.

“Bão giật cấp 15, 16, ngôi nhà mới xây của tôi rung lắc, chao đảo như động đất rồi phần mái nhà bị gió cuốn đi hết lớp này đến lớp khác, tường đổ sập xuống. Cũng may còn giữ được mạng. Nhà tôi nghèo lắm, cả đời dành dụm, vay mượn cậy nhờ hàng xóm, anh em, mới cất nổi mái nhà giờ thì lại về con số không” - bà Đặng Thị Khuê (thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) cay đắng.

Tại Trường Trung học cơ sở Quảng Châu, thầy Trương Quang Hà – Hiệu trưởng đang cùng các thầy cô giáo thu dọn những đống đổ nát sau bão. Tạm dừng tay, thầy Hà chia sẻ: “Dù các thầy cô giáo với sự hỗ trợ của các phụ huynh học sinh đã chằng chống cẩn thận từng phòng học, từng mái ngói thế mà bão số 10 vẫn bê đi tất cả. Toàn bộ mái ngói của dãy lớp học trong trường bị cuốn bay. Tôi nhẩm tính có hơn 35% thiết bị dạy học bị hư hỏng. Toàn bộ sách trong thư viện nhà trường bị ướt. Do hư hỏng quá nặng, nhà trường đành phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Trong ngày 17.9, trường huy động toàn bộ cán bộ nhân viên đến thu dọn, để việc giảng dạy không bị đình trệ”.

Ông Đàm Duy Phú - Phó Chủ tịch xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch thông tin với phóng viên: Bão số 10 có sức gió quá khủng khiếp. Phần lớn công trình, nhà cửa trong xã bị tàn phá. “Nhà đổ, cây ngã rạp, mái nhà bị cuốn bay sạch. Cảnh tượng hoang tàn chưa từng có. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên mọi miền tổ quốc” - ông Đàm Duy Phú bày tỏ./.