Chia sẻ với báo chí chiều 17.9, về việc bắt giữ hai tử tù sau hơn 6 ngày trốn trại giam, đại tá Phạm Trọng Điềm – Phó Cục trưởng Cục điều tra tội phạm về ma túy (C47) cho biết: "Sau khi nhận được thông tin hai đối tượng bỏ trốn, chúng tôi nhận định đây là những đối tượng rất nguy hiểm, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra sự nguy hiểm tới xã hội và các vụ hình sự tiếp theo vì sau khi trốn, chúng thiếu tài chính".
Đại tá Phạm Trọng Điềm - Phó Cục trưởng Cục C47 cho biết, nhiều người thân đã giúp đỡ tử tù Nguyễn Văn Tình bỏ trốn. Ảnh: Đình Việt.
Về tử tù Nguyễn Văn Tình, đại tá Điềm cho biết, tuy Tình còn trẻ nhưng có thời gian hoạt động phạm tội dài nên rất nguy hiểm và tinh quái. Hơn nữa, Tình từng sống ở các địa bàn miền núi nhiều nên thông thạo địa hình, việc trốn chạy được tính toán kỹ lưỡng, tinh vi. Do vậy, lực lượng vây bắt gặp nhiều gian khổ, khó khăn trong việc bắt lại đối tượng này.
Trong quá trình trốn chạy, khá nhiều người thân đã giúp đỡ Tình. Tình rất tinh quái, luôn sử dụng nhờ điện thoại của người đi đường để thông tin cho bố, mẹ và cả bạn bè.
Khi bị bắt, lực lượng chức năng khám trong túi Tình có hơn 11,7 triệu đồng. Khi được hỏi, đối tượng nói đây là tiền đi lao động trước đây và gửi lại mẹ. Sau khi trốn, gia đình Tình có đưa thêm cho Tình 20 triệu đồng, Tình dùng tiền để mua xe máy và điện thoại.
Luật sư Trần Quang Khải.
Về việc sử dụng phương tiện để chạy lên đến Tân Sơn, ban đầu đối tượng mượn xe của người thân chạy từ Thạch Thất. Khi lên đến Yên Quang, Kỳ Sơn, đối tượng tiếp tục đổi cho chú bên ngoại lấy xe khác để chạy tiếp.
Trao đổi với PV Dân Việt về trách nhiệm của những người đã giúp đỡ Tình trong quá trình chạy trốn, luật sư Trần Quang Khải - Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Phát (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đối với hành vi của những người liên quan, dù biết rõ tử tù Tình bỏ trốn mà vẫn cung cấp tiền bạc, cho mượn xe máy hoặc ở cùng đối tượng trong hành trình bỏ trốn thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm” hoặc “Không tố giác tội phạm” theo Luật Hình sự 1999 quy định tại các Điều 21, Điều 22 và Điều 313.
Tử tù Nguyễn Văn Tình bị bắt khi đang trốn trong lán trông nương ở Mai Châu (Hòa Bình).
Điều 21 quy định về tội “Che giấu tội phạm” như sau: “Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định.
Điều 22 quy định về tội “Không tố giác tội phạm” như sau: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
“Như vậy, cùng nhận biết về hành vi phạm tội của người thân, nhưng cách ứng xử như thế nào sẽ quyết định hành vi phạm tội của họ. Dấu hiệu phân biệt giữa 2 tội là “có hành động” hay “không hành động”. Và căn cứ vào việc vi phạm mà mức án sẽ khác nhau. Với tội “Che giấu tội phạm” mức án cao nhất là từ 5 đến 7 năm tù. Còn với tội “Không tố giác tội phạm” mức án cao nhất là 3 năm tù”, Luật sư Khải phân tích.
>>XEM THÊM: Vụ 2 tử tù bỏ trốn: Hàng loạt cán bộ trại giam bị tạm đình chỉ