Xây công trình cao từ 40-70 tầng
UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến của các Bộ, ngành về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Đồ án này nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch cũng chia 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch, khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch… Điểm nhấn của đồ án là các công trình cao từ 100 - 200m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Hà Nội đề xuất xây khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng khu vực ga Hà Nội.
Theo tính toán của đơn vị lập đồ án, tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỷ đồng. Dự kiến việc đầu tư sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2020, giai đoạn 2 phát triển đến năm 2030, giai đoạn 3 phát triển từ năm 2025 đến 2035.
Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo giới, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho hay, quy hoạch này do Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì lập. Đơn vị tư vấn là công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ (NSC) của Nhật.
Trước băn khoăn về việc TP đề xuất xây dựng hàng loạt công trình cao từ 40-70 tầng (khoảng 100-200m) liệu có “vượt trần” của đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 ở khu vực 4 quận nội thành hay không, ông Vinh thừa nhận đây là khu vực hạn chế chiều cao công trình.
Về việc lo ngại mật độ dân số cao, gây áp lực cho khu vực nội đô, ông Vinh khẳng định lo ngại như vậy chỉ là cảm tính. “Đơn vị đã tính toán tổng dân số ở khu vực này một cách khoa học nhất. Phần lớn trong số này là dân tái định cư tại chỗ” - ông Lê Vinh nói.
Vì lợi ích nhóm?
Về vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng TP cho biết, trong quy hoạch giao thông đô thị được Chính phủ phê duyệt, ga Hà Nội (hay còn gọi là ga Hàng Cỏ) đóng vai trò là ga trung tâm, đầu mối cho đường sắt quốc gia và nội đô. Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu cải tạo, chỉnh trang ga Hà Nội nhưng vẫn chưa giải quyết được việc quy hoạch, phát triển đô thị sao cho phù hợp.
Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP lo ngại, nếu hàng loạt các cao ốc từ 40-70 tầng có thể được xây dựng quanh ga Hà Nội sẽ khiến mật độ dân số cũng như mật độ người tham gia giao thông tăng cao, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài tại khu vực này.
Mật độ giao thông quanh khu vực ga Hà Nội luôn ở mức độ cao. Ảnh: Thành An
Bên cạnh đó, ông Nghiêm cho rằng, ga Hà Nội còn là di sản nằm trong danh sách bảo tồn, là một trong những công trình có giá trị lịch sử, minh chứng cho một thời kỳ hào hùng của dân tộc… nên phải giữ nguyên hiện trạng, không được phá bỏ mà chỉ nên chỉnh trang, cải tạo lại sao cho hài hòa nhất với không gian, kiến trúc đô thị.
“Việc xây dựng quá nhiều công trình cao tầng như vậy còn dẫn đến mâu thuẫn với kiến trúc, cảnh quan khu vực xung quanh. Đặc biệt khu vực ga Hà Nội lại rất gần khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Văn Miếu Quốc Tử Giám, cách khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hồ Hoàn Kiếm không xa. Không nên chỉ vì quyền lợi cục bộ của một công trình mà phá vỡ không gian quy hoạch chung của Thủ đô, đừng vì những cái riêng nào đấy mà điều chỉnh” - ông Nghiêm cho biết.
“Từ những giá trị di sản, từ cơ sở pháp lý, từ định hướng đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ phê duyệt, thành phố quy định thì đừng vì những cái riêng nào đấy mà điều chỉnh đi” - ông Nghiêm nhấn mạnh.
Trước câu hỏi về việc thay đổi quy hoạch như trên việc thay đổi này có vi phạm luật Quy hoạch, luật Xây dựng, nguyên KTS Trưởng TP.Hà Nội cho hay, trong thực hiện quy hoạch có được phép điều chỉnh trong luật Quy hoạch, luật Xây dựng tuy nhiên cần nhấn mạnh muốn điều chỉnh phải xác định có biến động lớn. Nhưng hiện nay rõ ràng khu vực này không có biến động lớn.
Nếu muốn thay đổi quy hoạch phải tham khảo ý kiến cộng đồng, tham khảo các ý kiến phản biện các chuyên gia, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
“Ở đây Sở Quy hoạch Kiến trúc chưa hỏi ý kiến cộng đồng dân cư, chưa tham khảo tư vấn phản biện các tổ chức nghề nghiệp, đã đưa ra công trình cao từ 40 đến 70 tầng. Vậy phải hỏi lại, thay đổi quy hoạch ở đây mục tiêu là gì? Việc thay đổi này phục vụ ai?” - KTS Nghiêm đưa ý kiến.
Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội đô. Hiện, khu vực này đang bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng sẽ càng làm tình trạng tắc nghẽn tại đây trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đặt ra câu hỏi, quy hoạch cần phải chỉ rõ khu vực ga Hà Nội có cần xây dựng khu tài chính, khu thương mại, khu lối sống mới, khu nghỉ dưỡng đô thị cao từ 40-70 tầng hay không.
“Quy hoạch cũng cần phải làm rõ khu vực ga Hà Nội còn thiếu cái gì. Theo tôi, công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực cần thiết hơn khu nhà cao như vậy” - ông Liêm băn khoăn. Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Ga Hà Nội nằm ở vị trí đất vàng nên ai cũng muốn. Tôi cho rằng, đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội là lợi ích nhóm chứ không phải vì sự phát triển chung của Thủ đô”.