Dân Việt

Trung Quốc tôn vinh cà phê thôn Chu Khổ La

10/09/2012 19:19 GMT+7
(Dân Việt) - Nói đến lịch sử của cà phê Trung Quốc, thì không thể không nhắc đến cà phê ở thôn Chu Khổ La (TP.Đại Lý, tỉnh Vân Nam), vì nó có vai trò hết sức quan trọng đối với tiến trình lịch sử của cà phê Trung Quốc.

Rừng cây cà phê cổ ở thôn Chu Khổ La thuộc chủng loại cà phê hạt nhỏ chỉ có ở tỉnh Vân Nam, hết sức hiếm có, và có chất lượng cao, được tôn vinh là "hoá thạch sống" của cà phê Trung Quốc.

Năm 1892, nhà truyền giáo Pháp đến truyền giáo ở thôn Chu Khổ La, xây dựng một nhà thờ ở địa phương, đồng thời du nhập thói quen uống cà phê vào thôn Chu Khổ La. Nhà truyền giáo đích thân trồng những vườn cà phê, hướng dẫn dân làng địa phương trồng cà phê, uống và bán cà phê. Từ đó, dân làng địa phương bắt đầu có thói quen tự mình trồng, xay và uống cà phê, và kéo dài đến ngày nay.

Sở dĩ rừng cây cà phê cổ rộng 13 mẫu ở thôn Chu Khổ La được gọi là rừng cây cà phê cổ nhất Trung Quốc, là vì trong 1.134 cây cà phê thì có 24 cây có tuổi thọ hơn 100 năm, đều thuộc chủng loại cà phê hạt nhỏ Vân Nam, có chất lượng cao hiếm thấy, là cây cà phê tổ của Trung Quốc. Đặc biệt là cà phê hạt nhỏ Vân Nam có giá trị nghiên cứu khoa học và giá trị phát triển ngành nghề rất cao.

Tổ chức Cà phê quốc tế cho rằng, cà phê hạt nhỏ Vân Nam có chất lượng gần giống như cà phê hạt nhỏ Colombia, có sức cạnh tranh khá mạnh trên thị trường. Hiện nay, 95% nguyên liệu cà phê của Trung Quốc đến từ tỉnh Vân Nam, vì vậy, ngành cà phê tỉnh Vân Nam có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của ngành cà phê nước này.

Những năm qua, chính quyền địa phương đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng bảo tồn và phát triển chủng loại cà phê cổ Vân Nam, coi cà phê là ngành trọng điểm để bảo tồn và phát triển. Huyện Tân Xuyên (TP.Đại Lý) hàng năm cấp 100.000 nhân dân tệ từ ngân sách, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu "Cà phê cổ trăm năm Chu Khổ La".

Có một điều rất đặc biệt ở thôn Chu Khổ La, mặc dù tất cả mọi người đều thích uống cà phê và tự mình dùng chảo sắt, cối đá để rang và xay cà phê, nhưng quá trình chế biến cà phê là bảo mật, không truyền nghề cho vợ và con gái.