Hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại Bình Định. Ảnh: D.T
Manh mối từ lô gỗ không giấy tờ
Ngày 20.9, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp để xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến việc lâm tặc tàn phá 60,9ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định).
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định - cho biết: “Sở đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các công chức kiểm lâm có liên quan, tạm đình chỉ 2 công chức trực chốt chặn tại xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) và điều chuyển công tác 2 kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng”.
Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo ngành chức năng tỉnh Bình Định, thủ phạm gây ra vụ phá rừng chỉ có thể là doanh nghiệp, có khả năng thuê người, mở đường… và mục đích phá rừng là để trồng rừng. Thực tế, có nhiều vị trí tại khu vực rừng bị phá đã được trồng cây keo con. Hạt Kiểm lâm huyện An Lão tiến hành nhổ bỏ tất cả 7ha cây keo vừa được trồng mới trên diện tích rừng bị tàn phá.
Lượng gỗ có kích thước lớn lâm tặc để lại hiện trường. Ảnh: D.T
Hiện tại, Đội cơ động phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bình Định đã tạm giữ lô gỗ không có giấy tờ, nghi do lâm tặc vận chuyển từ khu vực rừng bị phá (xã An Hưng) để phục vụ cho công tác điều tra.
Lô gỗ được phát hiện tại Nhà máy sản xuất dăm gỗ Trường Sơn, xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh tổng hợp Thương Thảo). Công ty này do ông Lê Văn Thiệt (SN 1962, quê xã Hoài Sơn) làm Tổng giám đốc.
Tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp vào ngày 20.9 để xử lý trách nhiêm cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng. Ảnh: D.T
“Ảnh hưởng rất lớn đến uy tín tỉnh Bình Định”
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đặt ra nghi vấn chỉ có một con đường độc đạo (đi qua chốt chặn bảo vệ rừng tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn - PV) nhưng lâm tặc mang gỗ ra khỏi rừng mà không ai phát hiện là điều rất lạ.
“Ai chủ mưu, ai cầm đầu phải làm cho ra. Đây là cả uy tín danh dự của tỉnh và trách nhiệm của tỉnh với Trung ương. Tôi đề nghị tập trung xử lý các cán bộ có liên quan trên địa bàn huyện An Lão và Hoài Nhơn, kể cả trách nhiệm quản lý nhà nước của Chi cục kiểm lâm. Trước mắt, tạm đình chỉ công tác Hạt phó Hạt kiểm lâm An Lão, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã An Hưng. Riêng Hạt trưởng Hạt kiểm lâm An Lão thời điểm đó đang đi họp nhưng vẫn phải bị kiểm điểm trách nhiệm. Đối với Trạm kiểm lâm Hoài Sơn phải tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm phối hợp. Các đồng chí có liên quan từ Chủ tịch UBND xã An Hưng, Chủ tịch UBND huyện An Lão, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, Giám đốc Sở NNPTNT phải kiểm điểm nghiêm túc, báo cáo kết quả UBND tỉnh” - ông Dũng yêu cầu.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, điều tra xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu phá rừng. Ảnh: D.T
Theo ông Dũng, thời gian qua lãnh đạo Trung ương rất quan tâm và liên tục hỏi thăm về vụ phá rừng quy mô lớn tại tỉnh này. Vụ phá rừng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tỉnh Bình Định. Với cương vị là Chủ tịch tỉnh, ông Dũng phải làm kiểm điểm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Bằng mọi giá phải làm cho ra. Yêu cầu Chi cục kiểm lâm chỉ đạo Hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nguồn gốc gỗ tại các xưởng chế biến sản xuất gỗ trên địa bàn. Nếu Hạt nào để gỗ lậu trong xưởng, ngay lập tức cách chức Hạt trưởng Hạt kiểm lâm. Họ sản xuất sờ sờ đó mà để vậy là không được, không biết trong này có sự thông đồng không, cần làm rõ điều này” - ông Dũng cho hay.