Dân Việt

Hạn chế xe cá nhân: Dùng biện pháp hành chính là nóng vội

09/10/2011 12:45 GMT+7
(Dân Việt) - “Hãy phát triển thật nhanh phương tiện công cộng, nhất là tàu điện ngầm. Một khi phương tiện công cộng cạnh tranh được phương tiện cá nhân thì người dân sẽ tự chuyển đổi hình thức đi lại, không cần cấm...”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị nói về việc hạn chế phương tiện cá nhân.

Hiện nay, Chính phủ và Bộ GTVT đang chuẩn bị lộ trình hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc. Theo TS, một lộ trình hợp lý sẽ nên như thế nào?

- Hiện nay, thủ đô Mátxcơva của Nga có đến 50-70% người dân sử dụng PTCC; Bắc Kinh (Trung Quốc) khoảng 40%. Ở Hà Nội, PTCC chỉ mới đáp ứng được 6 - 8% nhu cầu. Hơn nữa, PTCC ở Hà Nội, TP.HCM hiện nay là xe buýt, xe taxi. Đây là các PTCC có khối lượng chuyên chở nhỏ nhất trong số các PTCC như metro, xe điện bánh hơi, tàu điện một ray (monorail)...

img
Theo tiến sĩ Thủy, phương tiện cá nhân bùng phát những năm qua là do giao thông công cộng quá yếu kém.

Muốn hạn chế xe cá nhân, việc cần làm trước hết là phát triển thật nhanh PTCC. Thường thì khi PTCC đáp ứng được khoảng 40 – 50% nhu cầu thì mới nên tính đến phương án hạn chế xe cá nhân.

img
TS Nguyễn Xuân Thủy

Bộ trưởng Bộ GTVT nói rằng, không thể đợi đến khi hệ thống GTCC thật phát triển rồi mới tính đến hạn chế xe cá nhân mà phải làm song song. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Ai cũng có thể nghĩ như vậy. Nhưng có điều là chúng ta làm cùng lúc hai việc đó như thế nào. Trong điều kiện hiện nay, hơn 90% người dân Hà Nội và TP.HCM đang sử dụng xe cá nhân, nếu hạn chế hay cấm sẽ gây bức xúc rất lớn, vi phạm đến quyền đi lại của số đông người dân, tác động lớn đến người nghèo.

Vì thế, hãy thúc đẩy phát triển thật nhanh PTCC, nhất là tàu điện ngầm. Một khi PTCC cạnh tranh được phương tiện cá nhân thì người dân sẽ tự chuyển đổi hình thức đi lại. Tất nhiên, ngay cả khi phát triển hệ thống GTCC thì vẫn phải có các biện pháp hạn chế xe cá nhân. Còn nếu ngay bây giờ, đưa ra những biện pháp hành chính để hạn chế xe cá nhân là nóng vội.

Vào năm 2002, nguyên Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình cũng đã đưa ra đề xuất hạn chế xe máy. Khi được mời góp ý về đề án này, tôi cũng đã trả lời ông Bình là cần phải gấp rút phát triển hệ thống GTCC rồi mới hạn chế được xe cá nhân. Nhưng thực tế từ đấy đến nay, hệ thống GTCC phát triển một cách ì ạch và phương tiện cá nhân đã phình ra quá nhiều. Vì thế, nếu bây giờ mạnh tay hạn chế xe cá nhân lại càng không thể thực hiện được.

Trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đối tượng đang được nhắm đến đầu tiên là xe máy. Theo ông, điều này có hợp lý không?

- Nhiều ý kiến đã đề cập rồi. So với ô tô thì xe máy không gây ùn tắc bằng. Một chiếc ô tô con chiếm dụng mặt đường gấp 4 lần xe máy, nhưng trên xe chủ yếu chỉ chở 1,2 người. Xe máy đang là phương tiện cơ động, hiệu quả và quan trọng là hợp với túi tiền của đa số người dân. Vì vậy, nên đưa ra lộ trình hạn chế sự phát triển ô tô trước chứ không nên hạn chế xe máy trước.

Về đề xuất thu phí đối với phương tiện của Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, TS Thủy cho rằng: Đó cũng là một biện pháp cần để hạn chế ùn tắc tại trung tâm thành phố. Việc thu phí chỉ nên tiến hành đối với ô tô vào giờ cao điểm. Hà Nội hãy đợi TP.HCM làm thí điểm rồi học tập các kinh nghiệm, rút ngắn thời gian nghiên cứu để sớm triển khai.

Theo ông, cần phải làm gì để phát triển nhanh giao thông công cộng?

- Hiện ở Hà Nội và TP.HCM đều đã quy hoạch và bắt đầu xây dựng hệ thống tàu điện ngầm. Tàu điện ngầm là lối thoát quan trọng nhất cho vấn đề giao thông đô thị hiện nay vì nó chuyên chở với số lượng lớn hơn xe buýt nhiều lần; tốc độ, sự thuận tiện đều hơn hẳn xe buýt.

Tuy nhiên, tiếc rằng việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm lại quá ì ạch. Việc quan trọng nhất là đốc thúc thực hiện thật nhanh các dự án này. Theo tôi, cần phải đặt đồng hồ đếm ngược cho công trình tàu điện ngầm.

Hãy đặt mục tiêu đến năm 2020, GTCC cả Hà Nội và TP.HCM đạt được 40-50%. Nôn nóng hạn chế xe cá nhân lúc này sẽ rất khó thành công.