Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lập trường cứng rắn với Triều Tiên.
Theo Washington Post, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump đã đưa ra lời cảnh báo chưa từng có tiền lệ, không chỉ đe dọa chính quyền Kim Jong-un mà còn cả 25 triệu người dân Triều Tiên.
“Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ huỷ diệt hoàn toàn Triều Tiên", ông Trump nói.
Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết, cả khán phòng sửng sốt nghe ông Trump nói. "Bạn có thể cảm thấy cơn gió lạnh lẽo thổi qua phòng khi ông ấy nói vậy", quan chức giấu tên nói.
Điều đáng chú ý là các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đều lặng thinh trước lời đe dọa của ông Trump. Trung Quốc và Nga nhanh chóng lên tiếng cảnh báo ông Trump thổi bùng căng thẳng.
Sự im lặng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rõ ràng đã nói lên nhiều điều. Ông Abe là người luôn ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Abe, Motosada Matano cũng từ chối bình luận về bài phát biểu mới nhất của ông Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người từng bày tỏ quan điểm muốn đàm phán với Triều Tiên, thời gian qua đã rất cố gắng để kết nối với Tổng thống Mỹ.
Phát ngôn viên của ông Moon từ chối đề cập đến lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” của ông Trump, cho rằng đây chỉ là cách để Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
“Chúng tôi hy vọng ông ấy vẫn cam kết đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực. Chúng tôi tin rằng bài phát biểu chỉ là cách để ông Trump làm nổi bật tính nghiêm trọng của vấn đề”, phát ngôn viên này nói.
Giới phân tích nói, lời đe dọa hủy diệt của ông Trump sẽ gióng lên hồi chuông báo động trong khu vực.
Bài phát biểu của ông Trump khiến các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản "đứng ngồi không yên".
“Mỹ từ lâu duy trì lập trường kiềm chế, tránh ‘ăn miếng trả miếng’ với Triều Tiên bằng lời lẽ cứng rắn. Nhưng bài phát biểu của ông Trump đã cho thấy điều ngược lại”, John Delury, giáo sư Mỹ tại Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc nói.
“Vậy có phải chính quyền Tổng thống Donald Trump đang rất nghiêm túc, về khả năng quay trở lại cuộc chiến đã tạm ngừng từ năm 1953?’, ông Delury đặt câu hỏi, ám chỉ thời điểm Chiến tranh Triều Tiên kết thúc.
Narushige Michishita, chuyên gia về Triều Tiên ở Tokyo cho rằng, người dân Nhật Bản đã nếm trải sự đau khổ trong Thế chiến 2 và họ không muốn xung đột quay trở lại.
“Việc Mỹ sử dụng vũ lực không chỉ khiến Hàn Quốc đứng trước nguy cơ gặp tai họa mà Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng”, ông Michishita nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Cui Tiankai nói hành động quân sự sẽ đặt Bắc Kinh vào vị trí khó khăn, mà nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả tương xứng.
“Trung Quốc không muốn thấy chiến tranh hay sự hỗn loạn ở Triều Tiên. Nếu Mỹ quyết định tấn công, Trung Quốc sẽ phải đáp trả vì Triều Tiên là quốc gia láng giềng, chia sẻ biên giới với Trung Quốc”.
Phía Nga bày tỏ sự thất vọng với cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên, nói lời đe dọa như vậy chỉ làm tăng thêm nguy cơ bất ổn và đe dọa chính đồng minh của Mỹ.
“Ít nhất thì ông Trump cũng khác với những người tiền nhiệm, khi không nhắc đến Nga như mối đe dọa hành động. Tổng thống Mỹ thậm chí còn ca ngợi sự hợp tác của Nga trong vấn đề Triều Tiên”, Konstantin Kosachyov, thành viên trong quốc hội Nga nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có phát biểu cứng rắn nhất với Triều Tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.