Dân Việt

Dạy nghề mùa bão lũ

08/10/2011 06:51 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều tỉnh miền Trung vừa phải liên tục hứng chịu các cơn bão, lũ khủng khiếp. Hoạt động dạy nghề ở khu vực này hiện đang có những thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Cho nghỉ học về… chống lũ

Những ngày này, lớp học nghề đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh (Gia Lâm, Hà Nội) vắng ngơ vắng ngắt. Ông Thỉnh phân bua: “Chúng tôi hiện đang đào tạo 2 lớp nghề đúc đồng cho khoảng 70 lao động ở miền Trung, nhưng bão lũ liên miên, họ ngồi học cũng không yên nên chúng tôi linh động cho nghỉ để về phụ giúp gia đình”.

img
 
 

 

Theo ông Thỉnh, các lớp học cho lao động miền Bắc (Nam Định) hay miền Nam (Đồng Nai) thường học liền mạch. 3 tháng tốt nghiệp, học sinh có thể quay về quê làm nghề. “Nhưng với học sinh miền Trung, lớp học bao giờ cũng phải… du di vì địa bàn này hay có thiên tai, nhất là mùa bão lũ”.

Đó cũng là lý do nhiều lao động ở khu vực này ít có cơ hội tiếp cận với đào tạo dài hạn.

Để giúp lao động có cơ hội tiếp cận việc làm tại chỗ, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh đã điều tra, chọn ra 11 ngành nghề để đào tạo thí điểm cho LĐ ở 2 xã Thạch Văn và Mỹ Lộc, trong đó hiện có 8 nghề có thể giải quyết việc làm tại chỗ và phát triển SXKD tại địa phương, gồm: SXKD rau an toàn, chăn nuôi lợn, làm bánh đa, đóng thuyền nan, xây dựng dân dụng, sản xuất hàng mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, kinh doanh buôn bán nhỏ và nuôi ong lấy mật.

Tuy nhiên, ngay cả các lớp học này khi mở cũng phải “tránh mùa lũ” vì theo ông Sơn, lớp học chỉ mở tối đa 3 tháng. Chỉ một cơn lũ tràn về, người dân có thể bị cô lập, bị “kẹt” trong lũ cả tháng trời, và như vậy lớp học bị gián đoạn, chất lượng học tập không cao.

Dạy nghề “thích ứng với biến đổi khí hậu”

Đây là cách làm đã được nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm triển khai ở miền Trung. Mới đây nhất là 4 dự án về phát triển liên quan đến giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật và tạo sinh kế lâu dài cho người dân sống tại các tỉnh miền trung của Việt Nam, tổng số tiền hỗ trợ là 820 triệu đồng do Đại sứ quán Australia thực hiện.

Dự án này hướng tới những nghề người dân có thể làm trong mùa lũ, như tài trợ xây dựng ngân hàng giống dế tại xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) giúp nông dân có việc làm thêm giữa 2 vụ muối. Hai dự án nữa tại miền Trung được hỗ trợ là các khóa đào tạo nghề cho 105 người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh Nghệ An thực hiện và thành lập các câu lạc bộ nông dân và tổ chức các khóa huấn luyện về các mô hình nông trại trồng cây hữu cơ với sự phối hợp của Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Nông Lâm Huế.

Ngoài ra, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên minh châu Âu cũng đang đầu tư vào khu vực này thông qua Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực dựa vào cộng đồng”.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, Dự án “Đào tạo nâng cao năng lực dựa vào cộng đồng” đã đào tạo nghề cho 374 LĐ, trong đó 279 là phụ nữ (chiếm 74,6%). Kết quả đáng mừng là sau khóa học, 65% LĐ cho biết thu nhập của gia đình họ tăng lên, 78% LĐ có việc làm ổn định.

Dự án này hướng tới việc đào tạo nghề cho phụ nữ, người nghèo. Các lớp học nghề được thực hiện từ năm 2008, sau những cơn bão lịch sử khiến một số địa bàn khu vực miền Trung tái nghèo, trong đó nặng nhất là Hà Tĩnh. Tới dự một khoá học tại huyện Vũ Quang, điều đặc biệt là nông dân ở đây được tiếp cận nghề từ góc nhìn thị trường.

Ông Vũ Văn Hải, nông dân xã Hương Minh, người tham gia khoá học cho hay: “Lớp học này chúng tôi rất thích vì cách học mang tính gợi mở, khi chúng tôi đề xuất học nghề nào đó thì giáo viên thường đặt câu hỏi: Sản phẩm đó sẽ bán ở đâu, bán như thế nào? Qua thảo luận, chúng tôi có thể chọn được nghề phù hợp…”.

Cách học này đã góp phần thay đổi tư duy của nông dân và giúp họ làm ăn theo định hướng của nhu cầu thị trường và giúp nông dân có những suy nghĩ tích cực về tổ chức, tìm kiếm việc làm trong mùa lũ.