Dân Việt

Du khách có thể bị bỏ tù nếu hút thuốc lá điện tử ở quốc gia này

Minh Phương 22/09/2017 09:50 GMT+7
Du khách bị phạt tiền hoặc ngồi tù đến 10 năm khi hút thuốc lá điện tử tại những quốc gia có lệnh cấm.

Tháng 8, một du khách châu Á bị giam 20 giờ và phải nộp 100.000 baht (gần 70 triệu đồng) tiền bảo lãnh để được tại ngoại tại Thái Lan. Hai tháng sau, du khách này phải có mặt tại một buổi xét xử ở Thái Lan và nộp phạt thêm một khoản tiền lớn, nếu không sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn, theo Neovape.

Cuối năm 2014, Thái Lan ra lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu bị phát hiện, người sử dụng sẽ chịu các mức phạt từ bị tịch thu đến phạt tiền, thậm chí có thể ngồi tù 10 năm. Tuy nhiên nhiều du khách đến Thái Lan vẫn vi phạm vì họ không biết đến điều luật này khi đi du lịch tự túc.

img

Một du khách Anh từng phải đóng phạt 125 bảng (khoảng 3,7 triệu đồng) sau khi bị giam giữ vì dùng thuốc lá điện tử ở Bangkok. Ảnh: Neovape.

Ngoài Thái Lan, một số quốc gia khác cũng ra lệnh cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá điện tử như Indonesia, Brunei, Singapore, Malaysia…

Một số nước cấm sản xuất và buôn bán thuốc lá điện tử có các lệnh kiểm soát việc sử dụng khác nhau. Các tiểu Vương quốc Ả Rập tiến hành tịch thu thuốc lá điện tử ngay tại sân bay. Brazil cảnh báo, tịch thu xử phạt hành chính đối với những người sử dụng bị phát hiện. Hay Nhật Bản giới hạn dung tích tối đa của mỗi bình thuốc lá điện tử là 120 ml. Phần Lan, Argentina và Venezuela… thuộc nhóm các quốc gia cấm người hút thuốc lá điện tử ở những nơi công cộng.

Tại Anh, chính phủ cho phép hút loại thuốc này. Tổng giám đốc Hiệp hội Thương mại Thuốc lá điện tử tại Anh cho biết: "Chúng tôi may mắn khi chính phủ Anh có cách tiếp cận khác. Chúng tôi biết rõ hút thuốc lá điện tử ít gây hại đến sức khỏe hơn 95%, giảm nguy cơ ung thư ít hơn 1% so với thuốc lá truyền thống. Tuy  nhiên, những người sử dụng thuốc lá điện tử nên tự tìm hiểu những quy định liên quan khi đi du lịch ở nước ngoài".

Hút thuốc lá điện tử (vape) là một sáng kiến xuất hiện vào khoảng năm 2003 với mong muốn hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá. Loại thuốc lá này nhanh chóng trở thành xu hướng trên thế giới. 

Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) công bố một báo cáo cho biết việc sử dụng thuốc lá điện tử không có tác dụng giúp người hút thuốc cai nghiện, mà vẫn gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe người dùng. 

Sau đó, các quốc gia trên thế giới đã cân nhắc đưa ra các điều luật liên quan đến loại thuốc này. Đã có 13 quốc gia tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc lá điện tử và 21 quốc gia, vùng lãnh thổ ra lệnh cấm hoàn toàn, theo Neovape.

21 quốc gia, vùng lãnh thổ ra lệnh cấm thuốc lá điện tử: Argentina, Áo, Bỉ, Brazil, Brunei, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Malaysia, Mexico, Oman, Panama, Singapore, Đài Loan, Tajikistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Uruguay, Venezuela