Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Bộ Giao thông xem xét giảm phí trạm BOT ở hàng chục dự án; Tài xế xe buýt trả lại 60 triệu đồng cho khách Trung Quốc; Lời trần tình của người phụ nữ chặt chân chó...
Ông bố viết đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh
Theo anh Bình, các khoản "tự nguyện" trong trường học thông qua Hội phụ huynh đang làm nhếch nhác môi trường học đường. Ảnh Dân trí
Anh Võ Quốc Bình, phụ huynh một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), vừa có đơn gửi Văn phòng Chính phủ, kiến nghị giải tán hội phụ huynh học sinh. Anh Bình cũng chính là người thẳng thắn từ chối khi Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban ĐDCMHS) lớp này kêu gọi mỗi phụ huynh đóng góp 400.000 đồng để lót sàn gỗ cho phòng học nhằm giúp học sinh ngủ trưa thoải mái hơn.
Trong “thư ngỏ” do Ban ĐDCMHS lớp gửi, anh Bình ghi rõ “Không đồng ý”, đồng thời nêu ý kiến: “Hội phụ huynh học sinh chứ không phải là hội phụ thu học sinh".
Ngoài ra, anh Bình cho biết, từ những bất cập trong các khoản ở trường không thể chấp nhận, anh đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị loại bỏ cái gọi là “Hội phụ huynh học sinh”. Bởi theo anh, gọi là Hội phụ huynh nhưng thực tế biến tướng hoạt động với mục tiêu “Hội phụ thu học sinh” để thực hiện “BOT học đường”.
Nhiều bạn đọc cho rằng, trường học thì có ngân sách hỗ trợ, không thể động tới cái gì cũng kêu phụ huynh đóng góp.
Đây chẳng khác nào một hình thức “móc túi” phụ huynh công khai, nhưng lại rất “hợp lý”, vì nếu có phản ánh thì hiệu trưởng lại nói do “phụ huynh tự nguyện”, nhiều người bức xúc.
Bộ Giao thông xem xét giảm phí trạm BOT ở hàng chục dự án
Bộ giao thông đang rà soát mức thu phí của hàng loạt trạm thu phí BOT. Ảnh minh họa: VNE
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ này đang rà soát 54 dự án BOT để điều chính mức phí theo hướng giảm; rà soát xong trạm BOT nào sẽ giảm ngay phí đường bộ tại dự án đó.
Theo ông Đông, mỗi dự án là một nhà đầu tư nên không thể thực hiện giảm phí đồng loạt. Bộ Giao thông sẽ tiến hành rà soát các trạm BOT để đánh giá cụ thể về dự án, phương án tài chính và hoạt động thu phí thực tế trên lưu lượng xe; xem đó là căn cứ để đàm phán với các nhà đầu tư và thống nhất mức phí có thể giảm.
Tài xế xe buýt trả lại 60 triệu đồng cho khách Trung Quốc
Tài xế Thiện (phải) cùng đại diện hãng xe buýt trao trả hơn 60 triệu đồng cho du khách Trung Quốc đánh rơi. Ảnh: VNE
Ông Zhang Guangshe (37 tuổi), du khách Trung Quốc cùng người thân đón xe buýt đi từ sân bay Cam Ranh về trung tâm Nha Trang, tối 21.9. Tới điểm dừng, ông cùng mọi người xuống vội, để quên ví tiền trên xe.
Tài xế Lương Quang Thiện tiếp tục chạy, đến lúc trả hết khách đã phát hiện ví tiền liền báo về công ty nhờ trung tâm hỗ trợ, trả tài sản cho khách. "Trên xe tối qua chủ yếu khách nước ngoài, tôi nghĩ họ sẽ rất hoảng loạn khi phát hiện mất ví", tài xế Thiện nói.
Lúc sau nhận lại ví có hơn 60 triệu đồng, thẻ ATM cùng nhiều giấy tờ, ông Zhang Guangshe vui mừng và cám ơn anh Thiện. "Tôi vừa tới Nha Trang du lịch, dự tính ở đây hai hôm rồi vào TP.HCM", nam du khách cho hay.
Lời trần tình của người phụ nữ chặt chân chó
Hình ảnh bà T. dùng dao chặt chân chó. Ảnh VNN
Mấy ngày qua, dư luận bức xúc khi xem đoạn clip một người phụ nữ dùng dao chặt đứt lìa chân trước bên phải của một chú chó.
Vụ việc xảy ra tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Người phụ nữ trong đoạn clip là bà T. (ngụ ấp Ông Lang, xã Cửa Dương).
Bà T. kể, cách đây 7 năm, bà mua 2 chú chó về nuôi với giá 5 triệu đồng. Bà rất yêu thương chúng nhưng 1 con đã bệnh chết nên gia đình dồn hết yêu thương cho con còn lại.
Gần đây, bà T. phát hiện gà, vịt trong nhà nuôi bị chó cắn chết. Con chó này còn cắn người, quậy phá đồ đạc của hàng xóm. Nhiều lần láng giềng dọa đánh chết chó của bà.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, tất cả các lời nhận xét, các dòng trạng thái, bình luận... đều kịch liệt lên án hành động dã man này (cùng hành vi quay clip tung lên mạng, dù là đối với loài vật) bằng những tính từ “ác quá”, “quá ác”...
Dân mạng sôi sục kêu gọi truy tìm các nhân vật trong clip. Hình ảnh dã man đến nỗi Facebook đã chặn không cho hiển thị hầu hết clip ở các post chia sẻ và cảnh báo “hình ảnh bạo lực hoặc máu me”.