Từ 83 tỷ đồng còn 45 tỷ đồng
Trước hết là nhà đất số 16 Bạch Đằng – một mảnh đất được xem là có “vị trí vàng”. Nhà này vốn là Sở Tư pháp cũ, hướng mặt tiền ra sông Hàn, đang được đơn vị thuê đất làm dự án chung cư cao cấp, condotel.
Theo tìm hiểu, nhà đất này có diện tích 1.796m2, có nguồn gốc là nhà đất công sản được bố trí cho Sở Tư pháp làm trụ sở.
Ban đầu, năm 2007, TP.Đà Nẵng định giá bán và chuyển quyền sử dụng đối với khu đất nhà nêu trên với giá 50,3 tỷ đồng. Đến năm 2014, vì các sở ngành đều được bố trí làm việc tập trung tại trung tâm hành chính nên một số trụ sở được thẩm định giá để bán công khai. Theo đó, giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá nhà đất 16 Bạch Đằng là hơn 83, 3 tỷ đồng (trong đó, nhà là 4,2 tỷ, đất 79,1 tỷ đồng).
Khu đất 16 Bạch Đằng. (ảnh PV)
Trên cơ sở đề nghị của Sở TNMT, ngày 21.11.2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn thống nhất cho Cty CPXD Bắc Nam 79 được thuê đất với mục đích sản xuất kinh doanh, thời hạn 50 năm, trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê. Sau đó, khu đất này đã được thu hồi để cho Cty CPXD Bắc Nam 79 thuê sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ.
Năm 2015, UBND thành phố, dựa trên đề nghị của Sở Xây dựng, thống nhất đơn giá cho thuê đất là 22,8 triệu đồng/m2. Đơn giá này được tính cho cả thời gian thuê 50 năm, trả tiền 1 lần. Tiếp theo đó, thành phố có công văn thống nhất giá thu tiền thuê đất tại 16 Bạch Đằng cho Công ty CPXD 79 là 45,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà và vật kiến trúc trên khu đất này cũng được Công ty này mua lại.
Vấn đề đặt ra là tại sao chủ trương ban đầu của UBND thành phố Đà Nẵng là bán nhà, đất tại 16 Bạch Đằng để thu ngân sách với số tiền 83,3 tỷ đồng nhưng cuối cùng một đơn vị lại được thuê đất chỉ với giá 45,3 tỷ đồng trong vòng 50 năm. Như vậy, ngoài giá trị 4,2 tỷ đồng được tính cho nhà và vật kiến trúc, theo như thông báo bán đấu giá công khai, TP.Đà Nẵng sẽ phải thu gần 80 tỷ đồng cho khu đất 16 Bạch Đằng nhưng cuối cùng chỉ thu 45,3 tỷ đồng.
Bên trong khu đất 16 Bạch Đằng hiện đang im lìm. (Ảnh: PV)
Theo thông tin về khu nhà đất 16 Bạch Đằng hiện nay, một số thông tin trên sàn giao địch BĐS cho thấy khu đất này hiện là dự án Condotel Cassia Da Nang Riverside với quy mô tòa tháp 27 tầng gồm 317 căn hộ tiêu chuẩn 4 sao. Căn hộ 45m2 được chào giá bán 3 tỷ đồng.
Từ số điện thoại giao dịch mua bán đất của dự án này, khi chúng tôi gọi điện tới ngỏ ý muốn tìm hiểu, mua căn hộ, một giọng nữ xưng là nhân viên giao dịch dự án cho hay hiện dự án chưa thể triển khai vì vướng một số thủ tục pháp lý. Khi nào hoàn thiện thì chưa biết được.
Mua đất “kim cương”, giảm 10%
Một đoạn mặt tiền số nhà 57 Lê Duẩn, lô đất "kim cương". (Ảnh: P.V)
Lô đất số 57, đường Lê Duẩn nằm vị trí đắc địa ngay ngã tư Lê Duẩn – Ngô Gia Tự (quận Hải Châu). Lô đất này trước đây là khu tập thể của bệnh viện C và bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có diện tích hơn 1.700m2. Là một trong những con đường đẹp nhất, huyết mạch tại trung tâm Đà Nẵng. Lô đất 57 Lê Duẩn được xem là “đất kim cương” vì nằm giữa phố mua bán sầm uất.
Năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng có Quyết định bán không qua đấu giá nhà công sản 57 Lê Duẩn, có diện tích hơn 1.770 m2 cho Công ty Công nghệ phẩm với giá là 62 tỷ đồng. Nếu thanh toán tiền trong vòng 30 ngày sẽ miễn giảm 10%, tương đương hơn 6,2 tỷ đồng.
Dù không thanh toán tiền đúng như hợp đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn được miễn giảm 6,2 tỷ đồng. Những hộ dân xung quanh khu đất này cho biết: Sau khi chuyển nhượng, chủ đầu tư hết kinh doanh áo quần rồi nhà hàng, ăn uống. Nay khu đất này đang mọc lên một tòa khách sạn cao tầng. Bên cạnh đó là một chuổi cửa hàng kinh doanh thời trang sầm uất, khách hàng tấp nập.
Giải thích về việc miễn giảm 10% này, năm 2013, phản hồi kết luận của Thanh tra Chính phủ (160/TB-TTCP ngày 17.1.2013), Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lúc đó là ông Văn Hữu Chiến (đã nghỉ hưu) cho rằng: Về vấn đề giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, thành phố xem việc giảm 10% là hình thức hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân giải tỏa nộp tiền vào ngân sách và hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư khi chuyển quyền sử dụng đất. Mặt khác, hình thức trên sẽ huy động nhanh nguồn kinh phí vào ngân sách để tái đầu tư phát triển thay vì thành phố phải đi vay với mức lãi suất bình quân thấp nhất là 12%/năm.
Theo Chủ tịch Văn Hữu Chiến (ký văn bản của UBND TP.Đà Nẵng ngày 19.1.2013 về phản hồi kết luận của TTCP), đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100%, không phân chia tỷ lệ với ngân sách Trung ương và nguồn thu này chỉ được dùng để chi đầu tư phát triển.
Vì vậy, theo Luật ngân sách thì địa phương có quyền quyết định giảm 10% tiền sử dụng đất, UBND thành phố khẳng định việc thực hiện chính sách này là một trong những vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Đà Nẵng mang lại hiệu quả thiết thực, nguồn thu ngân sách tăng lên hàng năm.
Dân Việt sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc này.
9 dự án có dấu hiệu sai phạm gồm: Công viên An Đồn (2010); Khu đô thị Habour Ville của Cty Đầu tư Mega (2008); Khu đất tại đường 2.9 Phan Thành Tài (2012); Dự án Phú Gia Compound (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, 2007), khu du lịch nhà hàng – bar – cà phê và bến du thuyền phía Tây cầu Rồng (2015), dự án KĐT quốc tế Đa Phước (2008), Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng (Phước Mỹ, Sơn Trà, 2009), Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound, phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, 2010); KDL ven biển đường Hoàng Sa của Cty I.V.C (4,5ha, Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, 2007). 31 lô đất, nhà công sản mua bán có dấu hiệu sai phạm, gồm: Nhà số 16, 20, 158, 100, 07, 86, 36, 38 đường Bạch Đằng; 318, 57, 17, 319 đường Lê Duẩn; 45, 47, 49, 73 đường Nguyễn Thái Học; 354, 81,8 Hùng Vương; 37, 39 Pasteur; 02 Hải Phòng; 82 Trần Quốc Toản; 107 Hoàng Hoa Thám; 22 Cô Giang; 32 Lê Hồng Phong; 34 Hoàng Văn Thụ; 11 Phạm Hồng Thái; 121 Phan Châu Trinh và 38 đường Bạch Đằng mở rộng… Theo tài liệu, đa số những dự án và nhà đất có dấu hiệu sai phạm đều liên quan tới một “đại gia” BĐS ở Đà Nẵng. |