Dân Việt

Khởi nghiệp – góc nhìn của A Nủ

Hoàng Lan 23/09/2017 18:20 GMT+7
Nhìn ngôi nhà cũ của cha để lại, A Nủ, 24 tuổi, khao khát liên kết các nghệ nhân và các bạn yêu nghệ thuật làm nhà truyền thống H’Mông, sau khi tiếp cận thị trường từ dầu màng tang, chùa dù, sả chanh, thổ cẩm... Những nghệ nhân trong bản làng sẵn lòng đến đây để cùng xây dựng chương trình bảo vệ văn hoá người dân tộc qua chất liệu bản địa.

Tại đây, du khách có thể cùng học, cùng làm sản phẩm. Nhóm sáng tạo của nhà truyền thống nhắm tới các hãng thời trang, sau ba năm sẽ liên kết phát huy các giá trị văn hoá dân tộc khác, A Nủ kỳ vọng.

img

A Nủ và Đỗ Bích Phương quảng bá đặc sản người H’mông

Tin là có thể

Dân tộc nào cũng có những giá trị riêng, A Nủ là người H’Mông nên sẽ làm cho người H’Mông trước. Niềm tin của A Nủ bảo rằng sẽ làm được chương trình phát triển sản phẩm, để bảo vệ nền văn hoá của người H’Mông và đưa văn hoá đó tới cộng đồng tất cả các dân tộc.

“Chỉ cần có thời gian để làm cái gì đó, chỉ cần một chút kinh phí ban đầu để nhà truyền thống trở thành trung tâm, để các trường đại học nước ngoài tới trải nghiệm, vì họ rất thích văn hoá các sắc tộc thiểu số”, A Nủ nói.

Hiện nay, các bạn người Kinh hỗ trợ website, một số bạn người dân tộc cùng tập hợp lại; may mắn cho A Nủ là các bạn hiểu biết ở nhiều lĩnh vực. Riêng Đỗ Bích Phương, người ở trong Nam, ủng hộ A Nủ làm thị trường! Ý tưởng ban đầu làm tinh dầu từ nguyên liệu bản địa, thực ra là của anh trai, nhưng anh đã dừng lại nửa chừng. A Nủ lại thấy tinh dầu từ  thảo dược bản địa, nếu làm xà bông tinh dầu, thuốc ngâm chân, thổ cẩm và nhiều sản phẩm khác có thể chất đầy gánh để xuống núi.

Cốt cách hiền lành, A Nủ chậm rãi nói về hành trình tiếp theo: cái ngày đen tối nhất trong cuộc đời của A Nủ là lần xin thủ tục lập hợp tác xã (HTX) Cát Cát. Thời đó chưa hiểu biết gì về thủ tục hành chính, dù đã một năm làm “nghề tinh dầu”. Lên hỏi UBND xã, chủ tịch xã cũng không biết gì về thủ tục, đành lên internet và tìm tới liên minh HTX Lào Cai xin hướng dẫn. Theo hướng dẫn, tới phòng tài chính huyện, người ta nói người dân tộc không có trình độ, nghi có người đứng đằng sau “xúi giục”. Họ không đồng ý với lý do sợ không duy trì được HTX .

A Nủ cũng chỉ biết thủ tục lập HTX, chứ không biết ngoài HTX còn cái gì nữa. Biết mình nghèo! Không có tiền trong túi, cơ sở vật chất quá nhỏ, không có cái gì cả… là bình thường nếu không có ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng ý tưởng đó làm cho người ta thấy mình nghèo hơn! Đối với A Nủ đó là thời điểm nhiều bức bối, khó khăn nhất trong cuộc đời.

Lớn lên trên đường đi

Cộng tiền dành dụm từ trước và tiền mẹ bán hai con trâu, A Nủ vay nặng lãi để có 300 triệu đồng làm xưởng cất tinh dầu cạnh khu du lịch. May nhờ trung tâm khuyến công hỗ trợ 50% tiền thiết bị, nên A Nủ có thể vận hành hệ thống chưng cất vào loại lớn ở Lào Cai. Hiện tại, A Nủ không có thứ gì bảo đảm nên không ngân hàng nào đồng ý cho vay.

Trừ trung tâm khuyến công, địa phương chỉ động viên chứ không có hành động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nên A Nủ phải tự thân tìm kiếm cơ hội thị trường. Đỗ Bích Phương ở Sài Gòn, tự nguyện liên lạc với ban tổ chức phiên chợ Xanh – Tử tế. Không ngờ lại được hỗ trợ để sản phẩm vùng cao vào Sài Gòn, A Nủ nói nhờ “giao lộ” này mà sản phẩm vùng cao tìm được đường ra thị trường.

A Nủ tinh thông hơn nhiều trong cách nhận diện cơ hội khi chùa dù là riêng của Việt Nam, trong khi màng tang ở Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ đều có. Chất lượng, kỹ thuật sản xuất như nhau, Trung Quốc đã từng nhập tinh dầu từ Việt Nam, lúc thì mua thật nhiều khi thì bỏ lún. A Nủ hiểu cách làm sản phẩm từ dầu cọ, chùa dù, thuốc tắm người Dao đỏ, phấn hoa, mật ong chăm sóc da… để tạo khác biệt từ thực tế cận kề người láng giềng “mưu sâu, kế hiểm” và kinh nghiệm sống của người trong bản làng.

“Nhận thức về giá trị bản địa qua những sản phẩm từ vùng cao không hề đơn giản khi miền xuôi đã quen hoá dược”, A Nủ cảm nhận khó khăn ngay khi nói về sản phẩm có lợi cho sức khoẻ người dùng. Rất may, tại TP.HCM, cách tạo ấn tượng với lớp người luống tuổi, kể cả lớp trẻ có hiểu biết về thảo dược đã thành công.

Tuyên ngôn của rừng

Những thiết kế từ bao bì tới những câu chuyện riêng, từ logo với hình tượng chiếc gùi gắn với đời sống của vùng núi đồi Sa Pa, những lá cây tượng trưng sản phẩm từ thiên nhiên sơn cước và màu chàm, hoa văn thổ cẩm người H’Mông… trở thành tuyên ngôn đầy thuyết phục.

Bán dầu thu nhập chẳng bao nhiêu, nhưng điều quan trọng là chuyển tải khát vọng và nhìn thấy người tiêu dùng trẻ ủng hộ các giá trị bản địa. A Nủ từng phải mất rất nhiều thời gian giải thích điều này với chính cộng đồng trong nước, so với các chương trình của các tổ chức phi chính phủ ưu tiên bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số.

Làm tinh dầu, có bồn chưng cất to gần bằng một “xi-tẹc”, thiếu thiết bị nên nâng, đổ toàn là thủ công, nhưng A Nủ vẫn nuôi ý tưởng nghiên cứu tìm ra những loại dầu “nền” của người dân tộc, làm nhiều loại hơn từ tinh dầu hoa ngũ sắc, vỏ cam, sả, màng tang, chùa dù, gừng…

Sả chanh, mỗi ngày ra 800ml, màng tang mỗi ngày 20 lít… không bao giờ đủ nhu cầu. Làm cái bồn chưng cất to ở Lào Cai và sẽ làm tiếp ở Bắc Kạn, có thể vẫn không đủ nguyên liệu, nhưng “góc nhìn” núi đồi, bản làng, nguồn thảo dược cho A Nủ ước mơ vô hạn để bồn chưng cất đạt tới mức tối ưu, dù cái khó là nguyên liệu không tập trung, đi lại khó khăn và nhiều khi chỉ vì thiếu nguồn nước.

“Nhiều thách thức về quản trị, nhưng A Nủ tin người tiêu dùng trẻ coi trọng giá trị bản địa sẽ ủng hộ và dù sao thì… ngày đen tối nhất cuộc đời cũng qua rồi”, A Nủ điềm đạm nói.