Dân Việt

Thủy sản Việt Nam có thể bị nhận "thẻ đỏ" của EU nếu không sửa luật

Hoàng Thắng 22/09/2017 15:01 GMT+7
Luật Thủy sản 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành thủy sản nói riêng, kinh tế của đất nước nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành, những điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, chồng chéo trong luật đã gây không ít phiền hà, tốn kém cho các doanh nghiệp...

Luật gây khó cho doanh nghiệp?

Tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Thủy sản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, bà Trần Hoàng Yến - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP Pro (Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam) bày tỏ sự lo lắng với vấn đề chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) tại dự thảo luật lần này.

Theo bà Yến, đã có hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ do IUU, trong đó có cả những quốc gia, vùng lãnh thổ có đội tàu khai thác hải sản hiện đại. Và Việt Nam có thể bị EU “giơ thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định  sau khi có báo cáo đánh giá của đoàn công tác tại Việt Nam. Thêm vào đó, từ 1.1.2018, Mỹ sẽ áp dụng IUU với thủy sản nhập khẩu vào Mỹ.

img

 Luật Thủy sản 2003 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của ngư dân, doanh nghiệp.  ảnh: Hoàng Thắng

Như vậy, Việt Nam đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại rất lớn về thị trường, phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản sang EU (tức nhận thẻ đỏ) tại 2 trong 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Bà Hoàng Yến chia sẻ: “IUU của EU yêu cầu chữ kí của thuyền trưởng trong bản kê khai, với IUU của Mỹ, chữ ký thuyền trưởng chắc chắn phải có. Nhưng điều này chưa được thể chế hóa trong Luật Thủy sản, đề nghị ban soạn thảo bổ sung. Việt Nam đang có nguy cơ bị EU phạt thẻ vàng.

Trước đây, Thái Lan từng bị phạt thẻ đỏ trong 12 tháng, thiệt hại 200 - 300 triệu USD và họ đã phải chi hàng tỷ USD, tuyển dụng hàng nghìn người để thoát khỏi IUU. Chống IUU là xu thế chung của thế giới, nhưng trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi, tôi không thấy có quỹ chống khai thác bất hợp pháp. Liệu chúng ta có thể thêm chức năng chống khai thác bất hợp pháp cho Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản được không?”.

Theo bà Yến, Điều 102 của dự luật, việc mua bán và xuất khẩu thuỷ sản  đều chịu kiểm soát nghiêm ngặt về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, có những thị trường không yêu cầu chặt chẽ như Việt Nam thì chỉ nên đưa những quy định theo yêu cầu của thị trường chứ không nên quá thắt chặt, vì như thế sẽ gây thêm thủ tục hành chính và tốn kém cho doanh nghiệp.

Còn TS Đặng Quang Vinh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, một số điều kiện kinh doanh trong dự thảo luật chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Ông Vinh phân tích: “Nhiều điều luật vẫn thể hiện tư duy quản lý cũ, theo cách đặt điều kiện kinh doanh rồi bắt doanh nghiệp chứng minh đáp ứng điều kiện, sau đó cấp giấy. Vẫn là quản lý trên giấy tờ, chưa phải trên hệ thống công nghệ thông tin. Ngư dân cầm tờ giấy đó đi biển, gặp nắng mưa, bão tố sẽ bị rách nát, chữ bị mờ. Lúc đó họ lại phải đi làm thủ tục, cấp lại giấy từ đầu dù mọi thông tin về doanh nghiệp, ngư dân đều được lưu trên hệ thống máy tính. Điều này không đáp ứng được tiêu chí chi phí thấp nhất cho người sản xuất - kinh doanh”.

Theo ông Vinh, việc quản lý các doanh nghiệp thủy sản nên thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để doanh nghiệp tự kiểm soát, tự công bố, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật

Ông Mai Văn Tài - Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 cho rằng, điểm thiếu sót của dự án Luật Thủy sản sửa đổi là vấn đề quy hoạch trong nuôi trồng thủy sản: “Chúng ta nói rất kỹ về quy hoạch phát triển nguồn lợi thủy sản, thực hiện theo trình tự nào? Cấp nào thẩm định vấn đề gì?..., nhưng quy hoạch nuôi - một trong những hoạt động lớn nhất thì chúng ta không đề cập, chưa kể các quy hoạch về cảng cá, hệ thống chế biến…”.

Bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật sẽ tiếp thu và nghiên cứu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính khách quan, khả thi và phù hợp khi áp dụng vào thực tế.

Liên quan tới đề xuất bổ sung thêm quỹ chống khai thác bất hợp pháp, bà Huệ cho rằng, việc bổ sung thêm quỹ lúc này rất khó bởi Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng phải rất khó khăn mới được thông qua, giữ lại trong luật.

Về giấy phép, giấy chứng nhận, điều kiện đầu tư kinh doanh thủy hải sản, bà Huệ chia sẻ: “Đúng là trong luật khi quy định về các điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ không thể đưa ra được các điều kiện cụ thể về diện tích, cơ sở vật chất. Vì vậy, phải theo các văn bản của Chính phủ chứ không phải do Bộ quy định. Việc rà soát các giấy chứng nhận và điều kiện đầu tư kinh doanh Bộ NNPTNT đã cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, vẫn phải có giấy phép cuối cùng, doanh nghiệp cá nhân mới được đi khai thác, việc đăng ký chủ sở hữu tàu cá chỉ là về tài sản, còn đăng kiểm là để bảo đảm an toàn”.

Theo bà Huệ, không thể chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm được bởi trên thực tế có nhiều doanh nghiệp “ma”, nếu để sản phẩm kém chất lượng đến với người tiêu dùng thì không thể lấy lại được nữa. Vì vậy, Ban soạn thảo chỉ đưa ra giấy phép khi doanh nghiệp chứng nhận đủ điều kiện, sau đó kiểm soát về điều kiện kinh doanh như ban đầu và duy trì./.