Dân Việt

“Mò mẫm” làm du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Nguyên Vỹ 23/09/2017 06:30 GMT+7
Du lịch gắn liền nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành nhu cầu ngày càng lớn. Nhưng để tìm ra mô hình gắn kết hiệu quả, các đơn vị thực hiện cần đầu tư bài bản hơn thay vì phát triển tự phát như hiện nay. Phóng viên Báo NTNN ghi nhận thực tế từ TP.HCM.

TP.HCM là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp đô thị với 3/4 diện tích ở các huyện ngoại thành, nhưng hiệu quả khai thác du lịch chưa cao, quyết tâm chưa nhiều, chưa có mô hình thích hợp và khả năng thu hút tài chính còn yếu.

Hình thành tự phát

Cách trung tâm TP.HCM 40km về phía Tây Bắc, Khu nông nghiệp công nghệ cao (AHTP) là một trong những đơn vị đầu ngành trong việc nghiên cứu, chuyển giao mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2014, AHTP bắt đầu khai thác hạ tầng kỹ thuật để phục vụ nghiên cứu, sản xuất và tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu sản xuất. Nhưng chính từ hoạt động trải nghiệm này, nhu cầu du lịch hình thành.

Thống kê của AHTP, trong 3 năm qua, khách du lịch đến đây tăng lên 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017), trong đó 80% là học sinh, sinh viên. “Du lịch không phải là định hướng ban đầu nhưng lượng khách đổ về cho thấy nhu cầu tăng lên rõ rệt” - bà Trần Thị Kim Hằng, cán bộ của AHTP cho biết.

img

 Du khách tham quan vườn lan tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (AHTP).   ảnh: NGUYÊN VỸ

Hiện trung tâm này duy trì hai nhóm sản phẩm chính là tham quan và hoạt động hướng nghiệp. Các mô hình cụ thể như tìm hiểu kỹ thuật rồi thực hành nuôi cấy mô hoa lan, trồng và chăm sóc cây không dùng đất, nấm bào ngư… thu hút nhiều du khách.

Thực tế, đây là những sản phẩm đặc thù mà chỉ những nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ mới có được. Tại AHTP, các sản phẩm này đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng với mục đích khác nhau. “Tất nhiên, chúng tôi vẫn đang phát triển theo hướng nhu cầu tới đâu thì đáp ứng tới đó chứ chưa có định hướng cụ thể” - bà Hằng nói.

Tương tự, Nông trang Xanh Green Noen ở huyện Củ Chi, hàng năm cũng tiếp đón vài nghìn lượt học sinh, sinh viên và các du khách đến tham quan, học nghề cũng như tìm hiểu chuyên sâu về các sản phẩm đặc trưng nông nghiệp đô thị. “Việc kết hợp trải nghiệm nông nghiệp với giải trí, giáo dục thực ra cũng phát triển từ mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường cũng như tạo dựng cảnh quan” - bà Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Green Noen cho biết.

Cần một định hướng rõ nét

Theo Ông Bùi Văn Mi - quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân để hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đồng thời, kết nối các điểm đến du lịch, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành.

Theo bà Thu Hường, do hình thức kinh doanh này mới hình thành nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn dù đã khai thác du lịch nhiều năm, khi phải tự bỏ tiền đầu tư từ con đường dẫn vào nông trang cho tới vốn mở rộng sản xuất. Các nội dung đặc thù du lịch như đội ngũ hướng dẫn, sản phẩm..., nông trang cũng phải tự tìm hiểu, tổ chức hướng đi.

Chia sẻ về khó khăn này, bà Trần Thị Kim Hằng kể, hoạt động du lịch tại AHTP hình thành do nhu cầu thực tế phát sinh nên tính chủ động đầu tư cho sản phẩm chưa đa dạng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa chuyên nghiệp. Do thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh nên các sản phẩm vốn được xem là đặc thù của trung tâm đang đặt trong trong tình trạng báo động về tính bền vững. Trung tâm có cái gì thì phục vụ cái đó, còn hỗ trợ từ các cơ quan chuyên ngành và kết nối với các hoạt động liên quan tại địa phương vẫn còn thiếu.

Từ thực trạng này, đại diện AHTP mong muốn, ngoài nhận ý kiến xây dựng từ các chuyên gia, các cấp chính quyền TP.HCM cần quan tâm hơn tới việc đầu tư bổ sung để hoàn chỉnh mô hình, từ đó làm tiền đề cho khu nông nghiệp công nghệ cao khác mà thành phố sắp xây dựng.

“Việc này rất quan trọng vì những nơi mà nông nghiệp công nghệ cao trú đóng có nhiều yếu tố thuận lợi để kết nối và phát triển như giao thông, nghề truyền thống, địa danh văn hóa lịch sử, cảnh quan đến sản phẩm địa phương” - bà Hằng chia sẻ.

Cụ thể hơn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng các cấp chính quyền địa phương cũng phải cùng chung tay hỗ trợ. Hiện việc tiếp cận các điểm tham quan còn khó khăn, các hoạt động du lịch nông nghiệp gắn liền khai thác tour tuyến đến các vùng nông nghiệp chưa tạo nhiều dấu ấn.../.