Dân Việt

Thành tích "giật mình" nếu HLV Kiatisak dẫn dắt ĐT Việt Nam

Tâm Hằng 23/09/2017 13:30 GMT+7
HLV Kiatisak được nhiều người hâm mộ Việt Nam yêu mến nhưng khó có thể là giải pháp cho chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Việc HLV Kiatisak chính thức chia tay CLB Port FC trong khi VFF vẫn đang tìm kiếm HLV trưởng cho ĐT Việt Nam càng khiến nhiều người hâm mộ hy vọng “Sắc” sẽ ngồi vào vị trí này. Ngay sau khi HLV Hữu Thắng từ chức, Kiatisak cũng từng bỏ ngỏ khả năng dẫn dắt ĐT Việt Nam dù lúc đó vẫn đang là HLV trưởng của Port FC.

Những người ủng hộ Kiatisak dẫn dắt đội tuyển, trong đó có Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức, cho rằng Kiatisak đã chứng tỏ tài năng cầm quân với 2 chức vô địch AFF Cup (2014, 2016), 1 huy chương vàng SEA Games (2013) cùng bóng đá Thái Lan.

img

Nhưng liệu Kiatisak có thật sự tài năng như những lời ca tụng? Nếu chỉ nhìn vào thành tích của nhà cầm quân trẻ này với ĐT Thái Lan, e rằng điều đó sẽ khó có đánh giá chính xác.

Thành tích của Kiatisak ở cấp độ câu lạc bộ thực sự khiến nhà cầm quân này phải xấu hổ. Kiatisak bắt đầu sự nghiệp cầm quân của mình ở HAGL năm 2006 sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Với 25 trận đầu tiên dẫn dắt đội bóng phố núi, Kiatisak chỉ có được 10 chiến thắng nhưng cũng thua gần bằng số trận như vậy (9 trận). Mùa giải năm ấy HAGL kết thúc ở vị trí thứ 4.

Sau khi rời HAGL, Kiatisak nghỉ ngơi một thời gian rồi dẫn dắt CLB Chula Sinthana (Thái Lan). Giai đoạn cầm quân lần này của Kiatisak còn ngắn hơn, chỉ 18 trận trong 6 tháng (từ 6.2008 đến 12.2008). “Sắc” có được 7 trận thắng và thua 4 trận.

Thời gian dẫn dắt Chonburi là giai đoạn Kiatisak có thành tích tốt nhất ở cấp độ CLB. Trong gần một năm gắn bó với đội bóng này, Sắc giành được 28 chiến thắng và chỉ để thua 7 trận, đạt tỉ lệ thắng hơn 60%.

Thành tích khá ấn tượng này khiến bầu Đức một lần nữa đưa Kiatisak trở lại phố núi làm thuyền trưởng. Thế nhưng lần trở lại này của Kiatisak còn tệ hơn nhiều. HAGL chỉ về đích với vị trí thứ 7 chung cuộc, sau 12 trận thắng và cũng có tới 10 trận thua.

Ngoài vấn đề thành tích, Kiatisak còn khiến nội bộ bất ổn khi không thể hòa hợp với ngôi sao sáng nhất của V.League bấy giờ, Lee Nguyễn, khiến bầu Đức buộc phải đẩy cầu thủ gốc Việt này tới Bình Dương.

Thành tích của Kiatisak ở Chula United sau đó cũng chẳng khá hơn là bao, trong khi Zico Thái thật sự “muối mặt” với hai câu lạc bộ gần đây nhất ông dẫn dắt. Ở Bangkok FC (6.2012 đến 12.2012), số trận thắng của nhà cầm quân này thậm chí còn ít hơn số trận thua: 7 trận thắng, thua 9 trận. Và ở Port FC, cựu cầu thủ của HAGL đã phải ra đi sau 3 tháng nắm quyền, với chỉ vỏn vẹn 1 chiến thắng nhưng thua tới 6 trận.

Vậy tại sao Kiatisak lại thành công như vậy với đội tuyển Thái Lan và U23 Thái Lan? Câu trả lời nằm ở việc mặt bằng chung của bóng đá Thái Lan luôn cao hơn các nước khác trong khu vực. Bóng đá nước này luôn sản sinh ra những lứa cầu thủ tài năng như chính Kiatisak, Dusit, Thonglao, Teerathep,…rồi sau đó là Dangda, Bunmathan, Chanathip, Charyl,…

img

Những năm qua, người Thái còn học hỏi bóng đá Anh, áp dụng mô hình bóng đá chuyên nghiệp từ đào tạo trẻ cho đến giải vô địch quốc gia… Điều đó càng làm cho bóng đá nước này phát triển.

Còn nhớ tại SEA Games 2015 khi HLLV Choketawee Promrut dẫn dắt U23 Thái Lan giành huy chương vàng, khi đó Kiatisak “chỉ đạo từ xa”, chính “Zico Thái” đã phải thốt lên: "Bất kỳ ai cũng có thể đưa đội tuyển này đến tấm huy chương vàng SEA Games".

Kiatisak nói về lứa cầu thủ U23 Thái Lan năm 2015, nhưng nếu dùng câu nói đó cho bóng đá Thái Lan nói chung thì cũng không quá khác biệt. Bằng chứng là ở SEA Games 2017 vừa qua, U22 Thái Lan bị đánh giá “không bằng những lứa trước” mà vẫn giành HCV thuyết phục.

Cũng không thể phủ nhận sự mạnh dạn loại bỏ những cầu thủ đã thành danh, tin vào lứa Chanathip, Charyl Chappius hay Tristan Do… hay cách truyền lửa vào các cầu thủ Thái Lan của Kiatisak được giới chuyên môn đánh giá cao.  Tuy nhiên, việc “đánh cược” vào lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng như vậy là chuyện tất yếu, không có gì may rủi cả.

Kiatisak có những lợi thế nhất định khi ứng cử chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam như ông có thể nói chuyện bằng tiếng Việt, có những hiểu biết nhất định về bóng đá Việt Nam.

Bản thân lối chơi mà Kiatisak xây dựng cho ĐT Thái Lan cũng là lối chơi ban bật, chuyền ngắn gắn với thương hiệu Thai-Tik-Tok. Lối chơi này cũng phù hợp với thể hình, thể trạng của các cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, trình độ của cầu thủ Việt Nam còn một khoảng cách với cầu thủ Thái Lan, vì thế không phải cứ “áp vào là xong”.

Dẫu biết công việc huấn luyện một đội tuyển quốc gia có những điểm khác với công việc huấn luyện một câu lạc bộ. Nhưng để đánh giá tài năng của một huấn luyện viên, cần đánh giá đầy đủ tất cả quá trình cầm quân của HLV đó.

Và nếu xem xét kỹ, rất khó để khẳng định Kiatisak là một nhà cầm quân “tài năng” như đám đông đang ngộ nhận. Ngoài ra, mức lương lên tới 1,4 tỉ đồng cho Kiatisak và bộ sậu cũng là rào cản lớn để “Zico Thái” ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam.