Nằm trên hòn đảo Sumbawa ở Indonesia, núi lửa Tambora phun trào lần đầu tiên vào năm 1815 khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng trực tiếp. Hậu quả của thảm họa này còn gây ra sóng thần và nạn đói, khiến tổng cộng hơn 100.000 người chết.
Tiếng nổ do hoạt động núi lửa tạo ra có thể được nghe thấy từ khoảng cách 2.000 km. Dung nham nóng phun trào lên cao hơn 40km và hình thành một lớp dài trên diện tích hơn 1 triệu km2. Tổng cộng, khoảng 140 tỷ tấn đá và tro bụi bị phun lên trên không khiến khu vực xung quanh chìm trong bóng tối.
Tro bụi và dung nham chảy xuống biển xung quanh hòn đảo Sumbawa với lực đủ mạnh để tạo ra sóng thần cao tới 4m. Các đảo nổi hình thành từ dung nham tồn tại trên biển trong nhiều năm sau đó.
Sự ảnh hưởng núi lửa Tambora không chỉ ở tại Indonesia mà còn lan sang các quốc gia châu Á. Vùng bán cầu bắc đã chứng kiến một năm không có mùa hè, sau khi vụ nổ khủng khiếp của núi lửa trên đảo Sumbawa.
Khí hậu trở nên lạnh hơn, ít tia nắng mặt trời xuyên qua tầng lưu sau khi núi lửa Tambora hoạt động. Nhiệt độ thấp khiến năng suất cây lương thực giảm, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực tại nhiều quốc gia như Ireland.
Núi Tambora từng có chiều cao tương đương núi Blanc (4.810 m), nhưng vụ nổ năm 1815 đã thổi bay đỉnh của nó. Ngày nay, núi Tambora chỉ có chiều cao khoảng 2.722 m và có một hố sâu 1.100 m.
Khu vực này hiện là vườn quốc gia Núi Tambora và tổ chức nhiều hoạt động đi bộ khám phá và cắm trại để phục vụ du khách. Bạn có thể trèo lên mép hay xuống miệng hố sâu trên đỉnh núi lửa.
Các nhà khảo cổ học cũng tới khu vực này để nghiên cứu nhiều hiện vật từ ngôi làng Tambora, bị chôn vùi bởi dung nham núi lửa trong thảm họa năm 1815 và mới được phát hiện những năm gần đây.
Trang Wonders List đã lựa chọn ra 10 núi lửa hoạt động mạnh nhất và nguy hiểm nhất thế giới.