Dân Việt

Gỡ “nút thắt” giáo viên cho chương trình giáo dục mới

Tùng Anh 25/09/2017 06:15 GMT+7
Cho rằng chất lượng đội ngũ giáo viên chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những "yếu kém" của giáo dục phổ thông hiện nay, các chuyên gia giáo dục khuyến nghị, nếu không có biện pháp cải thiện đội ngũ này, chương trình mới dù có ưu việt đến đâu cũng sẽ thất bại.

70% giáo viên không có khiếu... sư phạm

Thông tin tại hội thảo bàn về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học đều đạt xấp xỉ 99%. Tuy nhiên, bà Nghĩa cũng thừa nhận, năng lực nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn yếu – đây là rào cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.

img

Lương thấp, chế độ đại ngộ chưa phù hợp khiến nhiều giáo viên không có động lực với nghề anh (ảnh minh họa).    Ảnh: Tùng Anh 

Là một trường “có tiếng” ở Hà Nội, trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) có 166 giáo viên nhưng chỉ có 21 biên chế thuộc ĐH sư phạm Hà Nội, còn lại là giáo viên, nhân viên cơ hữu đóng bảo hiểm.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mặc dù 70% giáo viên của trường này có trình độ thạc sĩ trở lên, nhiều người là giáo viên giỏi, tuy nhiên nhiều giáo viên vẫn làm việc dựa trên kinh nghiệm, không biết cách thiết kế và điều khiển các hoạt động dạy học phụ hợp với học sinh trong trường. Thậm chí có nhiều giáo viên gặp khó khăn khi tổ chức dạy học ngoài lớp, gắn với thực tiễn... cá biệt vẫn có giáo viên làm việc... cho xong”.

Chứng minh thêm điều này, ông Nguyễn Đình Anh – nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GDĐT Nghệ An) đưa ra con số khá “sốc” về việc, hiện có tới 70% giáo viên phổ thông không có khiếu... sư phạm.

Ông Đình Anh cho biết: “Dạy học là nghề vừa mang tính khoa học lại đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. Đối chiếu với quan điểm này, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỷ lệ rất ít. Không có năng khiếu, lại không tích cực rèn luyện dẫn đến năng lực yếu kém, không thể thích hợp với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa tới đây”.

img

Dạy 25 năm lương chưa được 5 triệu đồng/tháng

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến giáo viên không có động lực phát triển nghề nghiệp là do mức lương quá thấp, chế độ chưa hợp lý. Nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, mức lương giáo viên cần được thay đổi đầu tiên.

Mới đây, hàng loạt giáo viên đã đăng tải trên các diễn đàn giáo dục những lá đơn xin ra khỏi biên chế, xin nghỉ dạy vì lý do... lương quá thấp.

Đó là trường hợp của thầy giáo Nguyễn Quang Tuệ (sinh năm 1987) dạy Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Trong đơn xin ra khỏi biên chế và nghỉ việc, Thầy Tuệ nêu rõ lý do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân bị bệnh và mức thu nhập thấp không đảm bảo trang trải cuộc sống cho gia đình và chữa bệnh. Cụ thể, mức lương sau 9 năm giảng dạy của thầy Tuệ chỉ là 3,6 triệu đồng/tháng: “Mức lương đó, tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu hàng ngày cho bản thân mình mà không lo được gì cho gia đình và bố mẹ” – thầy Tuệ chia sẻ. Rời khỏi nghề giáo, được biết thầy Tuệ hiện đang làm... thợ xăm nghệ thuật để mưu sinh.

Trước đó, đúng vào ngày khai giảng năm học mới (5.9) cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (sinh năm 1994) – giáo viên Trường Mầm non thị trấn Pac Miau (Bảo Lâm, Cao Bằng) cũng làm đơn xin ra khỏi biên chế với lý do công việc quá áp lực trong khi đồng lương rẻ mạt. Mô tả về nghề, cô Kim Anh cho biết, cô phải làm việc quần quật đến kiệt sức 10 tiếng mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều với mỗi lớp có số lượng trẻ quá đông, không được nhận sự tôn trọng của phụ huynh. Tuy vậy mức lương cô được hưởng chỉ là 4,3 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Hoàng Thị Tuyết – ĐH Mở TP.HCM cho biết: "Nhiều học trò của tôi ra trường theo nghề quay trở lại tâm sự với tôi rằng: Chúng em làm nhiều nhưng hưởng ít bởi lương giáo viên trả theo thâm niên. Đặc biệt, năm 2016 có chủ trương giáo viên dạy tiểu học, dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương trung cấp (1,86). Rất nhiều giáo viên tiểu học phải nuốt nước mắt làm nghề, hoặc không dám đi học cao hơn".

Ông Trần Trung Ninh – ĐH Sư phạm Hà Nội dẫn lại đề tài khoa học cấp nhà nước do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm. Theo đó, mức thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương của giáo viên thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng/tháng; giáo viên có thâm niên hơn 25 năm lương chỉ 4,1-4,7 triệu đồng/tháng.

Để tháo “nút thắt” này, lãnh đạo Bộ Nội vụ thông tin, hiện Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GDĐT nghiên cứu chế độ tiền lương đối với giáo viên phổ thông phù hợp với "Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập" và trình hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

  Tính đến năm học 2016-2017, cả nước có 853,875 giáo viên phổ thông, trong đó, giáo viên tiểu học là 395987, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,72%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,43; trung học cơ sở là 307777 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 98,98%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 2,05; trung học phổ thông là 150111,  tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,60%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 2,32.