Dân Việt

Quốc gia khiến TQ lo sốt vó vì tên lửa và hạt nhân quá mạnh

Quang Minh – Tổng hợp 26/09/2017 00:25 GMT+7
Từng bị Trung Quốc đánh bại, quốc gia này dồn sức phát triển tên lửa và hạt nhân để có thể đối đầu sòng phẳng với Bắc Kinh.

img

Căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc đã tồn tại từ lâu.

Trong 3 trụ cột hạt nhân của một cường quốc gồm máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm tấn công hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Loại vũ khí hủy diệt này là trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia do sức mạnh ưu việt của mình trong mọi trận chiến. Loạt bài này điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tên lửa đạn đạo thế giới.

Sức mạnh tên lửa Ấn Độ

Căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã có từ cách đây 50 năm, khi hai bên từng giao tranh ở vùng biên năm 1967. Đường biên giới dài hơn 4.000 km chung giữa hai nước lớn là mục tiêu của những cuộc đụng độ này.

Mới đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ thể hiện nhiều động thái và phát ngôn gây hấn ở cao nguyên Doklam, nơi được xem là điểm chiến lược giữa hai quốc gia. Cao nguyên Doklam thuộc chủ quyền của Bhutan nhưng Trung Quốc đã xây dựng một con đường cắt ngang khu vực này. Chính quyền Bhutan nhờ New Delhi can thiệp và mâu thuẫn nảy sinh giữa hai bên.

img

Tên lửa Agni của Ấn Độ chưa thể vươn tới mọi địa điểm ở Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng tuyên bố “đụng độ có thể leo thang tới đỉnh điểm và Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu trực diện”. Tờ báo này cũng “không quên” nhắc lại lần Trung Quốc đánh bại Ấn Độ ở biên giới khi xung đột nổ ra năm 1962.

Để răn đe lẫn nhau và gia tăng sức mạnh kho vũ khí chiến lược, hai quốc gia này liên tục phát triển tên lửa đạn đạo chiến lược. Tên lửa đạn đạo là vũ khí quan trọng, cấu thành nên 1 trong 3 trụ cột hạt nhân quan trọng của mọi cường quốc quân sự.

Agni-V là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Ấn Độ, được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng. Agni-V là một thành viên trong số nhiều loại tên lửa cùng tên Agni do chính quyền New Delhi quyết tâm phát triển. Kĩ sư trưởng của Agni-V cho biết phạm vi tấn công từ 5.500 tới 5.800 km. Một nhà nghiên cứu tên Đỗ Vạn Long từ Học viện Quân sự Trung Quốc khẳng định Agni-V có tầm bắn ít nhất là 8.000 km.

img

Agni là dòng tên lửa có thể gắn nhiều đầu đạn cùng lúc.

Agni-V được xem là lời đáp trả mạnh mẽ nhất của Ấn Độ trong cuộc đua vũ trang với Trung Quốc. Cho đến nay, đây vẫn là vũ khí có tầm bay xa nhất của Ấn Độ. Dù vậy, kênh CNN cho biết nếu như chiến tranh nổ ra, Ấn Độ sẽ không thể phá hủy hết các mục tiêu kinh tế trọng yếu của Trung Quốc. Các cơ sở kinh tế này đặt ở vùng cực đông và đông bắc xa xôi, vượt quá tầm bắn  hiệu quả của Agni-V.

Agni-V có thể được khai hỏa từ một xe tải hạng nặng, giúp tăng khả năng cơ động và chiến đấu. Ngoài ra, nó có thể chở theo “phương tiện quay lại khí quyển độc lập- MIRV” giúp một lần khai hỏa diệt được nhiều mục tiêu khác nhau. Chuyên trang quân sự National Interest khẳng định Ấn Độ có thể phóng đồng loạt 50 quả tên lửa Agni-V cùng lúc, gắn theo ít nhất 5 đầu đạn hạt nhân mỗi quả.

img

Tên lửa Agni-V có tầm bắn trên 8.000 km.

Trang Global Security cho biết không chỉ sở hữu Agni, Ấn Độ đang phát triển bí mật dòng tên lửa mang tên Surya. Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa, được bắt đầu từ năm 1994 và có tầm bắn cực kì khủng khiếp: 12.000 tới 16.000 km. Điều này đồng nghĩa mọi địa điểm ở Trung Quốc đều nằm trong “phạm vi phủ sóng” của tên lửa Surya.

Tên lửa Surya được cho là có thiết kế 3 tầng, hai tầng đầu sử dụng nhiên liệu rắn và tầng thứ 3 sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa chiến lược này có chiều dài 40 mét, nặng 55 tấn, sức công phá từ 250 tới 750 kiloton.

Chuyên gia quân sự Mỹ Hans Christensen trong bài viết "Năng lực hạt nhân Ấn Độ 2016" đăng tải trên tờ National Interest nhận định rằng tham vọng chế tạo tên lửa đạn đạo của Ấn Độ nảy sinh sau xung đột biên giới với Trung Quốc cách đây 50 năm. Sau trận thua tại biên giới, New Delhi đã dồn tâm huyết chế tạo tên lửa, đề phòng leo thang quân sự có thể xảy ra trong tương lai.

Trung Quốc và kho tên lửa hạng nặng

img

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chưa bao giờ là vấn đề phải quá bận tâm. Bắc Kinh hiện nay sở hữu rất nhiều tên lửa đạn đạo, tầm bắn đa dạng từ ngắn, trung tới liên lục địa. Không những vậy, tên lửa của Trung Quốc bắn được từ nhiều thiết bị khác nhau nên có độ cơ động rất lớn.

Trong số này, đáng chú ý nhất với Ấn Độ chắc chắn là tên lửa DF-41 (Đông Phong-41) đã được bổ sung vào Lực lượng Tên lửa Chiến lược từ năm 2016. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, gắn được đầu đạn hạt nhân do Học viện Kĩ thuật Tên lửa Trung Quốc thiết kế.

DF-41 nặng tới 80 tấn (hơn 30 tấn so với tên lửa Ấn Độ), dài 21 mét và tốc độ tấn công lên tới 30.000 km/giờ. Nếu bắn sang Mỹ, tên lửa DF-41 chỉ mất chưa đầy 21 phút. Điều này đồng nghĩa các mục tiêu trọng yếu của Ấn Độ như thủ đô New Delhi hay trung tâm tài chính Mumbai đều nằm gọn trong tầm tấn công của tên lửa Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), Ấn Độ có khoảng 250 kg plutonium, đủ dùng cho 100-120 đầu đạn hạt nhân. Đây được xem là “lượng răn đe hạt nhân tối thiểu”. Về phía Trung Quốc, nước này có khoảng 200-250 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng sử dụng.

img

Lực lượng thiết giáp và xe tăng Ấn Độ diễu binh.

Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa DF-41 có độ phủ lên tới 15.000 km. Ấn Độ hoàn toàn nằm trong vùng tấn công của tên lửa DF-41. Không những vậy, tên lửa của Bắc Kinh còn gắn được 10 đầu đạn cùng lúc và được đánh giá là loại ưu việt nhất thế giới hiện nay.

DF-41 được đánh giá là “quả tạ” quan trọng giúp Trung Quốc cân bằng cán cân quyền lực, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa bắn tới Mỹ. Dự án DF-41 được lên kế hoạch từ năm 1986 và sau 30 năm miệt mài nghiên cứu đã thu về kết quả rất khả quan.

Tờ Daily Mail của Anh cho biết thông tin về tên lửa DF-41 của Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế. Tờ báo này đưa thông tin cuối năm 2013, Trung Quốc thử nghiệm DF-41 và khiến mặt đất ở khu thử Ngũ Trại, tỉnh Thiểm Tây rung như có động đất.

Richard Fisher, chuyên gia quân sự châu Á-Thái Bình Dương nói rằng một Quân đoàn Pháo binh Số 2 điển hình có từ 6-12 bệ phóng tên lửa và 6-12 tên lửa bổ sung. Điều này đồng nghĩa mỗi đơn vị tên lửa được trang bị ít nhất 12-24 tên lửa DF-41 và giúp mỗi khẩu đội có thể tấn công nước Mỹ với 120-240 đầu đạn hạt nhân bắn phá cùng lúc.

Đầu tháng 12.2015, Trung Quốc thực hiện thử nghiệm tên lửa DF-41 gắn trên tàu hỏa, phiên bản tương tự mẫu RT-23 Molodets của Nga.

Trung Quốc nóng mắt

img

Trung Quốc có rất nhiều loại tên lửa tầm bắn từ ngắn tới trung và xa.

Đầu tháng 1.2017, Ấn Độ thử thành công hai quả tên lửa Agni IV và V khiến chính quyền Bắc Kinh thực sự nổi giận. Điều này cũng cho thấy một sự thật không thể chối cãi: New Delhi đang tích cực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc gọi hành động thử tên lửa của Ấn Độ là khiêu khích và “khuyên” New Delhi nên “hạ nhiệt cơn sốt tên lửa”. Tờ xã luận mỉa mai rằng dù Ấn Độ có sở hữu tên lửa đạn đạo thì cũng không đồng nghĩa nước này là cường quốc hạt nhân. “Sẽ còn rất lâu nữa Ấn Độ mới có thể cho thế giới thấy sức mạnh thật sự của mình”, tờ Hoàn cầu viết.

Thậm chí, Hoàn Cầu còn đưa ra một đề xuất rất kì lạ: giúp Pakistan phát triển tên lửa tương tự hoặc có tầm bắn xa hơn của Ấn Độ để…dằn mặt New Delhi. Theo tờ Diplomat, Trung Quốc từ lâu đã giúp sức cho Pakistan nhưng chính quyền Bắc Kinh không thừa nhận.

img

Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc đang duyệt binh.

Lí do cho sự tức giận này của Trung Quốc được giải thích bằng hai nguyên nhân. Trước hết, Trung Quốc sợ rằng trong trung hạn, New Delhi có thể phương hại tới chiến lược ở châu Á của Bắc Kinh. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp lên các khu vực như Tây Tạng và tranh chấp biên giới hai bên. Thứ hai, Trung Quốc lo ngại rằng mối quan hệ chiến lược của Ấn Độ với các đồng minh lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Mỹ sẽ khiến tham vọng chiến lược của Trung Quốc bị cô lập.

Trong con mắt của Trung Quốc, Ấn Độ không phải là cường quốc hạt nhân được thế giới công nhận, theo điều khoản trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Do đó, Ấn Độ sản xuất vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo không đồng nghĩa với sự công nhận quốc tế cho thành quả này. Ở khía cạnh kinh tế, Ấn Độ nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều này cũng được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng “độc chiếm quyền lực” châu Á của Bắc Kinh.

______

Triều Tiên là quốc gia có tốc độ tiến bộ về phát triển tên lửa nhanh bậc nhất thế giới. Đón đọc kì 4 xuất bản ngày 27.9 về sự phát triển thần tốc của tên lửa nước này.

600 tên lửa đạn đạo Nga vẫn đang ngày đêm chĩa vào Mỹ?

Hai cường quốc thế giới luôn có cách để kìm hãm lẫn nhau trong cuộc đua làm bá chủ thế giới.