Trong chuyến công tác cùng đoàn kỹ sư người Việt đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ 10 năm trước đây, phóng viên Dân Việt đã được gặp ông Lâm Tấn Thành (người dân địa phương gọi là Mười Hên, 52 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) - người đã dùng chiếc máy cưa cây cứu được 11 nạn nhân trong sự cố xây dựng cầu trên.
Ông Mười Hên với cây cưa cứu 11 nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Ông Mười Hên kể, sáng 26.9.2007, nhịp dẫn cầu Cần Thơ phía bờ Vĩnh Long (cách xa nhà ông) đang được xây dựng thì bất ngờ bị sụp. Theo đó, nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc rơi xuống và bị chôn vùi trong đống bê tông đổ nát.
Nghe sự việc kinh hoàng trên xảy ra, ông liền chạy ra xem, lao vào đống đổ nát, cố gắng đưa được 2 nạn nhân ra ngoài. Phát hiện còn nhiều nạn nhân khác cần được cứu sớm, tuy nhiên do tay không, không thể tiếp tục đưa họ ra ngoài nên ông Mười Hên vội chạy về nhà lấy cây cưa (dùng để cưa cây, đây cũng là công cụ mưu sinh nuôi sống cả gia đình ông) chạy ra hiện trường, tiếp tục cắt từng đoạn sắt, tảng bê tông để cứu người.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào sáng 26.9.2007. (Ảnh: Internet)
Sau khi được lôi ra khỏi tảng bê tông, ông Mười Hên xốc các nạn nhân lên vai cõng ra khỏi hiện trường. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, ông đã cứu được 9 nạn nhân thoát chết.
“Theo như thường ngày, tôi sẽ rất mệt, đuối sức và bỏ việc, nhưng thời điểm đó, tôi cứ cố, cứu được người nào thì cứ cứu. Như trường hợp cháu Nguyễn Quốc Trung (ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) lúc bị nạn nặng khoảng 70kg, còn tôi chỉ 50kg nhưng vẫn vác lên đi nhẹ tênh” - ông Mười Hên nhớ lại.
Chiếc máy cưa hư hỏng vẫn được ông Mười Hên cất giữ cẩn thận, coi nhưng một vật kỷ niệm.
Khi người thứ 9 vừa được ông Mười Hên đưa ra khỏi nơi nguy hiểm, dưới lớp bê tông ông đang đứng có một bình gas phát nổ. Rất may là tảng bê tông khá dày nên ông thoát chết.
Ông Mười Hên nói: “Sau vụ nổ trên, tôi tiếp tục cứu thêm 2 người nữa và ra về nhà lúc 20h cùng ngày. Chiếc máy cưa lúc này đã hỏng, chiếc áo trên người cũng đẫm máu khô của những nạn nhân mà tôi cứu”.
Điều đáng tiếc nhất mà đến nay ông Mười Hên vẫn canh cánh trong lòng là không cứu được người em họ làm trong công trình cầu Cần Thơ. “Khi sự việc xảy ra, thấy người ta bị nạn, tôi lao vào cứu nhưng không nghĩ rằng người em của tôi cũng đang gặp nạn. Đến hôm sau hay tin em tôi mất, tôi đã thấy rất buồn và day dứt cho đến nay” - ông Mười Hên bộc bạch.
Theo ông Mười Hên, nhiều người được cứu sống trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ thường xuyên đến gia đình ông hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống gia đình. Có nhiều người còn gọi ông với tên là “người hùng máy cưa”. Chiếc máy cưa của 10 năm trước đã hư hỏng, đến nay vẫn được ông cất giữ cẩn thận, coi nhưng một vật kỷ niệm.
Ông Nguyễn Văn Phi - Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa - cho biết, 10 năm trước đây, ông Mười Hên đã dũng cảm cứu 11 người trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cơ quan chức năng sau đó đã mời ông ra Hà Nội biểu dương. Hiện ông Mười Hên là Chi hội phó Hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Hưng 1. Cuộc sống của gia đình ông khá ổn định, sống hòa nhã với xóm làng và là một tấm gương tốt đáng để mọi người noi theo.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra vào sáng 26.9.2007, tại xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Lúc đó, hai nhịp dẫn (dài khoảng 87m, rộng 24m, cao 30m) giữa ba trụ cầu đang được xây dựng bất ngờ đổ sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư, bảo vệ công trình đang làm việc xuống đất. Vụ tai nạn khiến 55 người chết, 80 người bị thương (phần lớn là công nhân địa phương làm việc tại công trình). Đến tháng 4.2010, cầu Cần Thơ chính thức được khánh thành, trở thành cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á. Sau vụ tai nạn, ngoài tiền đền bù, những nạn nhân này được ngành chức năng, nhà hảo tâm quyên góp hỗ trợ vốn sản xuất và nhà ở. |