PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Phạm Chiến
Trong báo cáo “Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cơ thể người Việt Nam”, TS.bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nêu xu hướng tăng trưởng chiều cao hiện nay của Việt Nam và thế giới, các yếu tố liên quan đến tăng trưởng, đồng thời đưa ra các giải pháp can thiệp cải thiện chiều cao.
Trên thế giới, trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20.2 cm và 16.5 cm. Trong khi đó, tại Việt Nam, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4cm; đồng thời nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6cm.
PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra khẩu phần ăn thực tế của trẻ từ 2 – 11 tuổi. Theo đó, khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa đảm bảo đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng.
Cũng tại buổi hội thảo, PGS., TS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã cập nhật vai trò một số vi chất dinh dưỡng với tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. Theo đó, ngoài các vi chất dinh dưỡng được biết đến phổ biến như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D thì vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhưng thường ít được biết đến.
Các nhà khoa học trong hội thảo đã thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ, bao gồm:
Trong những năm gần đây, tầm vóc của người Việt Nam đã có những sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt Nam còn chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.
Khẩu phần ăn thực tế của trẻ em 2-11 tuổi hiện nay tại Việt Nam tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đảm bảo đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, sắt, kẽm, nhất là trẻ từ 5 – 11 tuổi. Khẩu phần ăn của trẻ có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, khu vực và mức kinh tế. Do vậy, cần ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đặc thù cho từng vùng.
Để phát triển chiều cao tối ưu, bên cạnh yếu tố gen, trong những năm đầu đời dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến chiều cao tối đa của trẻ khi trưởng thành. Do vậy, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là trong vòng 1000 ngày đầu đời, cũng như giai đoạn thiếu niên và vị thành niên, bao gồm canxi, vitamin D, Sắt, kẽm, vitamin K2… Dinh dưỡng tốt phối hợp với một chế độ rèn luyện thể lực một cách phù hợp, môi trường sống sạch sẽ, ít bệnh tật sẽ giúp cho trẻ có cơ hội phát triển chiều cao.
Vitamin K2 gần đây mới được các nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong việc giúp xương chắc khỏe hơn. Cơ chế hoạt động của vitamin K2 là hoạt hóa protein osteocalcin và MGP, giúp gắn canxi vào xương và ngăn chặn canxi lắng đọng tại các mô mềm, thành mạch máu, do vậy có tác dụng làm tăng mật độ xương, giảm tốc độ loãng xương và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Hội thảo khuyến nghị: Cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bổ sung phối hợp vitamin K2 + Canxi + vitamin D dành cho trẻ em như sữa, sữa chua, cháo… giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu, góp phần cải thiện tầm vóc cho người Việt Nam.
Trong thời gian tới, cần tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của vitamin K2 phối hợp với Canxi và D trong các sản phẩm cụ thể lên sự tăng trưởng chiều cao của trẻ em Việt Nam và lên tăng mật độ xương ở các đối tượng khác.