Không có sóng, điện thoại di động chỉ dùng để chơi game. |
Sau gần tiếng đồng hồ đánh vật với con dốc cao, dài đầy ổ gà, đá tảng, rãnh sâu bên vực thẳm, chúng tôi cũng đến được bản Ôn Ốc của xã Mường Lựm - nơi được mệnh danh là đỉnh cao của vùng cao Yên Châu (Sơn La). Đang hí hửng vì vừa chinh phục xong con dốc huyền thoại, tôi rút điện thoại định thông tin với đồng nghiệp thì ôi trời: Cả hai mạng Viettell và Mobifone đều không có sóng.
Chốt kiểm lâm bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La được lập ra để đối phó lâm tặc phá rừng với sự hiện diện của hơn chục cán bộ kiểm lâm ngày đêm tuần tra, truy bắt, cảnh giới… Không khí làm việc ở đây luôn nóng hừng hực nhưng chỉ nói đến hai chữ "thông tin" là mặt ai cũng lộ vẻ ngán ngẩm.
Các cán bộ kiểm lâm ở trạm cho biết: Cái khó nhất ở đây là không có sóng điện thoại di động của bất cứ mạng nào nên hoạt động phối hợp giữa các nhóm công tác rất khó khăn. Ngay cả những lúc kiểm lâm gặp khó khăn, nguy hiểm cũng chỉ biết tự cứu mình chứ không thể kêu cứu đồng đội. Vì vậy nguyên tắc hoạt động của kiểm lâm ở đây là không được đi tuần tra, kiểm soát đơn lẻ và phải luôn mang vũ khí đi theo.
Trong dịp cứu rừng đặc dụng Tà Sùa (Sơn La) khỏi vòng hoả hoạn năm 2010, chàng thanh niên dân tộc Mông - Sồng A Lánh ở bản Suối Khang, xã Suối Tọ chỉ bằng đôi chân trần mà có ngày chạy tới mấy chục km đường rừng để duy trì "sự sống của hộp thư chết" giữa Ban chỉ huy (BCH) phòng chống cháy rừng với các đơn vị tác chiến.
Lánh bảo: "Em cũng có điện thoại di động đấy chứ nhưng chỉ dùng được khi nào ra khỏi vùng rừng này thôi. Còn ở khu này thì điện thoại chỉ tổ nặng túi quần. Mấy hôm nay, em mang thư của BCH đến các điểm đặt thư hẹn trước, rồi lại nhận thư báo cáo từ điểm ấy mang về cho BCH".
Quả thật nếu không có đôi chân trần của những thanh niên như Lánh và mấy chiếc vô tuyến điện của lực lượng quân đội trợ giúp thì lấy gì mà phối hợp giữa các lực lượng; hướng dẫn các đơn vị thoát khỏi dải lửa chia cắt đơn độc giữa mênh mông đại ngàn mù mịt khói…
Minh Ngọc