Dân Việt

Dẹp bỏ tự ái, mẹ chồng - nàng dâu sẽ vui vẻ, thuận hòa

Thùy Anh 01/10/2017 06:40 GMT+7
Cuộc sống gia đình luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn, trong đó những mâu thuẫn của mẹ chồng - nàng dâu luôn là những câu chuyện tốn nhiều giấy mực, gây tranh cãi nhiều nhất. Không ít những cuộc mâu thuẫn không được giải quyết nảy sinh thành bạo lực gia đình, gây tan vỡ giữa nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Mẹ chồng can thiệp quá sâu

Những câu chuyện bạo lực tinh thần giữa mẹ chồng nàng dâu là không hiếm trong cuộc sống hiện đại. Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) kể lại, trước đây bà có làm tư vấn trị liệu cho một người phụ nữ là chị N.T.H 25 tuổi, ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, H theo tiếng gọi của tình yêu nhận lời làm về làm vợ, làm dâu ở đất Thủ đô.

img

Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nên được hóa giải bởi sự chia sẻ, cảm thông từ hai phía. Ảnh minh họa I.T

"Dù cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu luôn tồn tại những mâu thuẫn dễ dẫn tới bạo lực ,tinh thần trong gia đình nhưng câu chuyện này hoàn toàn có thể được giải quyết. Căn bản, mỗi người nên dẹp bỏ tự ái cá nhân, nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Dù có gì bất đồng nhưng nguyên tắc con cái vẫn phải lễ phép hiếu thảo, cha mẹ thì phải nhường nhịn, cảm thông”. 

PGS - TS Phạm Ngọc Trung – giảng viên bộ môn
Văn hoá gia đình
(Học viện Báo chí tuyên truyền)

Hôn nhân của chị là do chính mẹ chồng chị mai mối. Lúc mới cưới, tình cảm còn say đắm, chị yêu chồng, yêu cả mẹ chồng và ngược lại gia đình chồng đều rất yêu quý chị.

Một thời gian sau cuộc sống có nhiều khó khăn, chị cưới chồng xong thì chưa có việc làm ở nhà sinh con, lại sống chung với mẹ chồng. Hai người phụ nữ sống cùng nhà thì bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Mẹ chồng chị H thì sống kiểu truyền thống còn H thì sống kiểu hiện đại nên hai người thường xuyên cãi lộn. Mẹ chồng bắt ép H phải làm tất cả công việc nhà và chăm con trong khi H thì nói cô có thừa điều kiện và muốn thuê giúp việc.

Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi cả hai không thể chịu đựng, có lần xông vào cãi nhau rồi cào cấu nhau. Chồng H yêu vợ nhưng đứng giữa vợ và mẹ anh lại không thể lên tiếng. Chính vì thế, nhiều tháng sau đó, H liên tục bị trầm cảm, chán đời.

“Cô tâm sự với tôi là cô muốn thoát khỏi cảnh sống chung với mẹ chồng. Cô mong muốn được đi làm và chuyển ra khỏi nhà. Mặc dù đã tâm sự với chồng, nhưng anh ta là con trai duy nhất nên không thể làm trái ý bố mẹ” – bà Ngọc Anh kể lại.

Bà Ngọc Anh cũng cho biết, chị H là một trong số ít phụ nữ dám nói về câu chuyện buồn của mình và đi tìm cách giải quyết theo hướng tích cực. Một số người phụ nữ khác mà bà từng tiếp xúc khi rơi vào hoàn cảnh tương tự thường giữ kín câu chuyện vì sợ mang tiếng. Một số khác lại chọn cách giải quyết tiêu cực là quyết định ly hôn khi mâu thuẫn với mẹ chồng và không tìm được tiếng nói chung với chồng.

Nên tìm cách hóa giải mâu thuẫn

PGS-TS Phạm Ngọc Trung – giảng viên bộ môn Văn hoá gia đình (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho rằng từ xưa tới nay, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu đã trở thành vấn đề gây đau đầu của mọi gia đình. Cho dù ở xã hội hiện đại và văn minh, tìm thấy một người mẹ chồng tâm lý và thông cảm với con dâu cũng không phải chuyện dễ dàng.

Chính bởi quan niệm truyền thống ấy, nhiều người vẫn e dè, kiêng kỵ việc sống chung với mẹ chồng. Nhiều người còn cho rằng “khác máu tanh lòng”, do đó khi về sống chung một nhà họ hay dò xét nhau. Bất kể có việc gì đó không hài lòng là thể hiện thái độ thay vì thông cảm, cùng nhau tìm hướng giải quyết tích cực.

“Gia đình trẻ sống độc lập, người trẻ hành xử vì thế cũng bộc lộ theo bản năng chứ ít  cân nhắc, đong đếm trước khi làm. Sự bộc lộ thái quá cái tôi cá nhân của những cô con dâu trẻ khiến nhiều bà mẹ chồng cảm thấy không thoải mái. Nhiều hành vi được cho là bình thường của thanh niên lại khiến mẹ chồng cảm thấy khó chịu, xem đó là hành vi của con dâu hư hỏng. Khi những căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình không được dung hòa, dễ nảy sinh bạo lực về tinh thần. Lâu dần, những mâu thuẫn này tác động lớn tới hạnh phúc gia đình” – ông Trung nói.

Theo ông Trung, khi đối mặt với những mâu thuẫn, mẹ chồng - nàng dâu có thể dẫn tới bạo lực thì hai bên nên tìm cách hóa giải. Mỗi người nên kiềm chế cái tôi cá nhân, tìm tiếng nói chung, tránh để sự việc đi quá xa hoặc tồn tại mâu thuẫn một thời gian dài.

“Con dâu là những người trẻ tuổi, dễ cân bằng cuộc sống và cải thiện tình hình hơn cả. Các cô có thể tìm tới những nơi có không khí trong lành để hít thở, thư thái, tìm những người bạn, người trung lập (trừ người thân trong gia đình) để giải tỏa cơn mệt mỏi. Thậm chí, có thể tự thưởng cho mình một chuyến đi du lịch rời xa những mớ bòng bong trong gia đình, cân bằng lại cuộc sống” – ông Trung khuyên.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh cho rằng, trong một vài trường hợp, người vợ có thể tâm sự với chồng hoặc mẹ chồng để hóa giải các mâu thuẫn. Tuy nhiên, trước khi tâm sự cần suy nghĩ thật kỹ về những mâu thuẫn xem liệu bản thân mình có gì chưa phải, có gì đó không đúng cần hành xử chuẩn mực hơn. Ngược lại, mẹ chồng cũng cần phải dẹp bỏ những tự ái cá nhân, hướng tới suy nghĩ tích cực và không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái để tránh những mâu thuẫn không cần thiết.