Dân Việt

'Méo mặt' với phí chồng phí trên quốc lộ 5

Vũ Điệp 28/09/2017 07:21 GMT+7
Cho rằng đang phải chịu cảnh phí chồng phí khi đi qua các tuyến đường sử dụng vốn ngân sách, nhiều ý kiến đề xuất không thu phí bảo trì đường bộ. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Lê Văn Tiến cho hay, trước khi thu quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, Nhà nước thông báo sẽ dỡ bỏ trạm thu phí tại các tuyến đường đầu tư bằng vốn ngân sách. 

Riêng 2 trạm thu phí trên QL5 lại vẫn được duy trì, khiến phương tiện phải chịu cảnh phí chồng phí: vừa nộp phí bảo trì, vừa nộp phí cầu đường.

Đồng quan điểm, đại diện DN vận tải hàng hóa Hà An (Hải Phòng) nêu thực tế, DN có 30 xe container đầu kéo, với mức đóng quỹ bảo trì đường bộ 1,7 triệu đồng/tháng, mỗi năm DN phải chi hơn 600 triệu đồng. 

Phí bảo trì cộng với phí đường phải trả khi phương tiện đi trên QL5 khiến cho hoạt động kinh doanh của DN rất khó khăn.

Ông Tiến nêu, việc duy trì trạm thu phí trên QL5 là không hợp lý bởi tuyến đường này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, theo quy định thì phải dỡ bỏ sau khi thu quỹ bảo trì đường bộ.

“Nếu Nhà nước kiên quyết không bỏ 2 trạm thu phí QL5 thì cần có chính sách miễn phí bảo trì, bởi đa số các phương tiện tại Hải Phòng đi trên QL5 đều phải đóng phí”, ông Tiến đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh thắc mắc, chủ phương tiện rất bức xúc về việc đường cũ do ngân sách nhà nước làm mà phí QL5 lại tăng cao gấp 4 lần so với trước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói rõ, việc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) được Nhà nước giao thu phí trên QL5 là để bù đắp kinh phí làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không phải để hoàn vốn làm QL5.

img

Người dân cho rằng, đang phải chịu cảnh phí chồng phí trên QL5.

Tuyến đường có tổng mức đầu tư lớn, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Thủ tướng đã có quyết định về một số cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có việc giao cho Vidifi thu phí ở 2 trạm trên QL5.

Về việc người dân phản ánh đã nộp quỹ bảo trì đường bộ nhưng phải đóng phí trên QL5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công lý giải, thực tế quỹ bảo trì đường bộ hàng năm chưa đáp ứng được kinh phí bảo trì hệ thống đường quốc lộ

QL5 được thu để bù đắp cho phương án tài chính làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng thực tế khi QL5 xuống cấp, việc sửa chữa cũng phải lấy từ nguồn thu phí chính tuyến đường này chứ chưa bù đắp được cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Vidifi đã lập dự án sửa chữa tổng thể tuyến đường với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, phương án này đã được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương và Vidifi phải tự thu xếp nguồn vốn chứ không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục đang đàm phán với nhà đầu tư để có phương án giảm giá phí qua trạm QL5.

Không thu, Nhà nước không kham nổi

Từ thực tiễn thu phí trên QL5, đại diện chủ đầu tư một dự án BOT đề xuất, đã đến lúc Nhà nước cần tính toán kỹ có nên thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện nữa hay không. 

Bởi, thực tế nguồn thu này hàng năm không nhiều so với mức Nhà nước phải bỏ ra để bảo trì đường quốc lộ, trong khi chủ phương tiện vẫn luôn phản ứng vì phải chịu cảnh phí chồng phí.

Ông Lê Hoàng Minh - Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TƯ cho hay, từ năm 2013 đến nay, nguồn thu từ quỹ bảo trì đường bộ tăng từ 5.000 đến hơn 6.000 tỷ đồng/năm theo hướng năm sau cao hơn năm trước, do lượng phương tiện tăng 5-10%/năm.

Nguồn thu này được Quỹ bảo trì TƯ giữ lại 65% để duy tu hơn 20.000 km đường quốc lộ, còn lại 35% được chuyển cho địa phương bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ.

Ông Minh cho biết, với 65% thực tế cũng chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu bảo trì đường quốc lộ, còn lại hàng năm ngân sách vẫn phải cấp bù thêm.

Cụ thể, năm 2016 quỹ thu được hơn 6.300 tỷ đồng, nhưng TƯ vẫn phải cấp thêm 3.500 tỷ đồng để duy tu đường. Kể cả nguồn hỗ trợ đó cũng chỉ đáp ứng được 40-45% chi phí bảo trì đường bộ.

Ông Minh thừa nhận, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên quy định 5 năm trùng tu, 10 năm đại tu cũng không thực hiện được. 

Trước đề xuất bỏ thu phí bảo trì đường bộ, ông Minh cho rằng, nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân là rất lớn, trong khi ngân sách không đáp ứng thì việc duy trì Quỹ bảo trì đường bộ là cần thiết.

“Nếu không có quỹ thì Nhà nước phải cấp, nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay thì không thể kham nổi”, ông Minh nói.