Dân Việt

Quảng Ninh: 1m2 "đất vàng" bồi thường tương đương 1 thùng mỳ tôm?

Nguyễn Quý 30/09/2017 10:53 GMT+7
Ở dự án cải tạo nút giao thông tại TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), có vị trí giá đền bù gần 75.000 đồng/m2 đất, người dân cho rằng chỉ tương đương một thùng mỳ tôm ngoài thị trường.

Hàng loạt những chuyện bị cho là "tréo ngoe" xung quanh việc giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã tư Loong Toòng và tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi được coi là "đất vàng" về kinh doanh, buôn bán được người dân phản ánh đến đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt.

PV Dân Việt đã có mặt tại tổ 2, khu 5 phường Trần Hưng Đạo ghi nhận những tâm tư và niềm mong mỏi của hàng chục hộ dân.

img

UBND TP.Hạ Long tổ chức cưỡng chế tại tổ 2, khu 5 phường Trần Hưng Đạo vào ngày 18.9. Ảnh: Nguyễn Quý.

Ông Nguyễn Trọng Phú (tổ 2, khu 5 phường Trần Hưng Đạo) đưa ra tập hồ sơ, giấy tờ nguồn gốc đất, rồi kể: "Năm 1963, Ủy ban thị xã Hồng Gai (nay là UBND TP.Hạ Long) cấp cho nhà tôi thửa đất 16, tờ bản đồ số 4. Cũng từ năm 1963, bố mẹ tôi đã xây dựng nhà ở trên mảnh đất này (có giấy phép xây dựng số 232 do Ủy ban thị xã Hồng Gai cấp, ký ngày 11.12.1963).

Đến năm 1991 do chúng tôi lập gia đình riêng, bố mẹ tôi đã tách sổ hộ khẩu và phân chia đất cho 4 anh em xây dựng nhà ở (lần lượt từ nhà số 96 đến 102, với tổng diện tích là 470m), có báo cáo ủy ban phường và được đồng ý cho nộp thuế đất riêng từng hộ, có hóa đơn, chứng từ gốc và sổ bạ nộp thuế tại UBND phường". 

Thế nhưng, theo ông Phú, trong bản chứng nhận các công trình nằm trong diện đền bù, GPMB Dự án cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã tư Loong Toòng và tuyến đường Trần Hưng Đạo, UBND phường chỉ xác nhận tổng diện tích đất ở đã nộp thuế của 4 hộ gia đình ông Phú là 240m2.

Còn ông Trần Ngọc Thành (tổ 2, khu 5 Trần Hưng Đạo) cho hay: "Thửa đất tôi đang sử dụng được tách ra từ năm 1984 từ thửa đất của mẹ tôi (có hồ sơ, nguồn gốc từ năm 1960), đã được UBND thị xã Hồng Gai (cũ) cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà số 32 ngày 12.5.1995. Năm 2006, UBND TP.Hạ Long cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng tôi, nhưng lại không cấp phần diện tích đất đã bị giao thông, hành lang điện chiếm dụng của gia đình".

Từ đó đến trước khi bị thu hồi thực hiện Dự án, phần đất này vẫn được gia đình ông Thành quản lý, sử dụng ổn định.

"Nay Dự án lấy vào nhà tôi 15,7m2 đất, nhưng lại tính giá đất nông nghiệp, phần còn lại không bồi thường, tổng số tiền bồi thường theo phương án là 930.000 đồng. Gần 20m2 đất bố mẹ tôi để lại, nay họ bồi thường bằng giá mấy thùng mỳ tôm (!?).

Tương tự, trường hợp ông Trần Ngọc Cường (em trai ông Thành), trong bản chứng nhận nhà đất ngày 6.12.2015 cũng bị cho rằng có phần diện tích lấn chiếm đất giao thông và hành lang an toàn đường điện, nên không bồi thường. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định gia đình ông đã sử dụng ổn định từ năm 1963 (trước khi có giới hạn hành lang) cho đến nay và không bị lập biên bản về lấn, chiếm.

img

Các hộ dân tổ 2, khu 5 phường Trần Hưng Đạo bày tỏ bức xúc sau ngày UBND TP.Hạ Long tổ chức cưỡng chế.

"Năm 1964, đường điện chiếm dụng đất nhà tôi không bồi thường, đến năm 2008 đường điện đã dỡ bỏ trả lại nguyên trạng, nhưng Thành phố vẫn lấy đó làm cơ sở để không bồi thường phần đất cho anh em tôi. Ngoài ra, việc xác định diện tích đất ở thành đất trồng cây lâu năm là không đúng. Bởi các thửa đất mà anh em tôi đang sử dụng có nguồn gốc từ năm 1960, có giấy tờ quy định tại điểm g, Khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 5, Điều 18 NĐ 43/2014/NĐ-CP (Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà)" - ông Cường nói.

Vì sao các hộ dân không khiếu nại ngay từ khi phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ bị cấp sai (từ năm 2006), để đến bây giờ mới rơi vào thế "bí"?

Câu trả lời từ phía người dân là đã nhiều lần lên UBND phường, Thành phố đề nghị cấp đổi theo đúng hồ sơ gốc, yêu cầu ghi đúng diện tích đất ở, nhưng đều không nhận được câu trả lời chính thức của chính quyền.

"Cán bộ phường còn nói với chúng tôi rằng đất đấy của anh/chị, ai vào đấy tranh cướp đâu mà phải đổi sổ. Nghe xuôi tai, chúng tôi cũng không thắc mắc nữa, vì nghĩ đất mình ở, cũng chẳng có tranh chấp gì. Để đến bây giờ khi có Dự án mở rộng đường, chúng tôi mới cảm thấy bị thiệt thòi" - đại diện một hộ dân bày tỏ.

Để có thông tin đa chiều về sự việc, chiều ngày 29.9, PV đã liên hệ với ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo.

Ông Hùng cho biết, UBND phường và Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các hộ dân tổ 2 khu 5 và đã giải thích việc bồi thường giải phóng mặt bằng áp dụng đúng theo loại đất ghi trong giấy chứng nhận QSDĐ, tuy nhiên các hộ vẫn không đồng tình.    

"Chúng tôi đã chuyển những kiến nghị này lên Thành phố và hiện đang chờ các cấp có thẩm quyền quyết định" - ông Hùng nói.

Dân Việt đã liên hệ với cơ quan chức năng và sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

>>> XEM THÊM: Quảng Nam: Mua đất được cấp sổ thuê 50 năm, dân 10 năm đi kiện

Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tiếp nhận các thông tin phản ánh của bạn đọc thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0985. 523. 229 hoặc địa chỉ email: tiengdanntnn@gmail.com.