Dân Việt

Thủ tướng: Thận trọng trong quy hoạch khu vực ga Hà Nội

P.V 28/09/2017 17:41 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận.

img

Về việc quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận được phản ánh trên một số báo ngày 18.8.2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hà Nội cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững.

Ga Hà Nội, trước đây tên gọi là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là một đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội.

Gần đây, thành phố đã thuê tư vấn Nhật Bản làm đồ án quy hoạch và có tờ trình xin ý kiến các bộ ngành về phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.

Tư vấn đưa ra ba phương án quy hoạch ga Hà Nội và đường Trần Hưng Đạo, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn nguyên trạng nhà ga.

Khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng của Hà Nội như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng... Khu vực này mật độ giao thông qua lại rất lớn vào giờ cao điểm.

Hiện tuyến đường Lê Duẩn chạy trước nhà ga là đường một chiều.

Theo tờ trình của thành phố, ga Hà Nội và vùng phụ cận được chia thành 9 phân khu chức năng; trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.

Hiện khu vực ga Hà Nội là nơi bị hạn chế chiều cao công trình, do vậy đề xuất trên sẽ phải xin ý kiến Thủ tướng trước khi triển khai.

TP Hà Nội đề xuất ba phương án thiết kế chiều cao các công trình điểm nhấn, từ 100 đến 200 m, xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có phương án xây dựng công trình 70 tầng tại phía tây bắc hồ.

Các khu dân cư xung quanh ga Hà Nội chủ yếu là nhà ống liền kề nhau; chính vì vậy tư vấn Nhật Bản cho rằng thực hiện quy hoạch, xây cao ốc và tái định cư tại chỗ sẽ tạo bộ mặt đô thị hiện đại hơn.

Theo đề xuất của Hà Nội, nguồn vốn xây dựng các công trình theo quy hoạch khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó, vốn cho hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm do nhà nước đầu tư khoảng 700 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số một đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 đầu tư 100 tỷ đồng; các dự án phát triển đô thị đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.