Trong quá khứ, Triều Tiên từng hành động như vậy.
Ngoại trưởng Ri Yong Ho công bố lập trường của Bình Nhưỡng ở New York, nói rằng Tổng thống Mỹ đã "tuyên chiến" khi viết trên Twitter rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un và chính quyền của ông "sẽ không trụ được lâu".
Máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ chuẩn bị cất cánh từ đảo Guam trước khi bay ở không phận quốc tế trên vùng biển phía đông Triều Tiên. (Ảnh: EPA)
Cuối tuần qua, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay ngoài khơi bờ biển Triều Tiên như một màn phô diễn sức mạnh. Ngoại trưởng Ri nói Bình Nhưỡng có quyền tự vệ, thậm chí bắn các máy bay Mỹ dù chúng không tiến vào không phận nước này.
Trước đó, Triều Tiên đã tung một video tuyên truyền, với nội dung một chiến cơ Mỹ bị nổ tung. Tất cả khiến cho nhiều người liên tưởng tới vụ việc năm 1969, khi phía Triều Tiên bắn rơi một máy bay do thám Mỹ ở không phận quốc tế làm 31 quân nhân thiệt mạng.
Hai máy bay Mig-21 của Không quân Triều Tiên tấn công máy bay do thám Lockheed EC-121M không mang vũ khí ở vùng biển cách bờ 90 hải lý. Quân đội Mỹ đã có màn phô diễn sức mạnh ở Biển Nhật Bản, trong đó có việc nối lại các chuyến bay do thám, nhưng chính quyền của Tổng thống Richard Nixon khi đó không có hành động tấn công nào nhằm vào Triều Tiên.
Trước đó 15 tháng, tàu tuần tra Triều Tiên tấn công và đổ bộ tàu USS Pueblo khi tàu này hoạt động cách 1 hải lý bên ngoài đường biên 12 hải lý dành cho các vùng lãnh hải. Một trong 83 quân nhân thiệt mạng, còn một số khác bị bắt hơn một năm rồi được thả ra.
Nếu Triều Tiên ngày nay có định bắn hạ một máy bay Mỹ thì gần như chắc chắn nước này sẽ làm vậy bằng tên lửa đất đối không, theo các chuyên gia.
"Triều Tiên có một trong những hệ thống phòng không dày đặc nhất thế giới, từ các tên lửa tầm ngắn và súng phòng không đến các tên lửa tầm xa", hãng tin Anh Telegraph dẫn lời Lance Gatling, một nhà phân tích quốc phòng và Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu Nexial có trụ sở ở Tokyo.
Theo ông Gatling, tên lửa phòng không tân tiến nhất mà Triều Tiên có trong kho là KN-06, phiên bản tự chế của tên lửa Nga S-300 SAM. Chi tiết năng lực của hệ thống này vẫn chưa rõ vì chỉ hai vụ phóng thử được phát hiện, dù truyền thông Triều Tiên loan tin hồi tháng 5 năm nay rằng "mọi trục trặc" của vũ khí này đã được xử lý, và loại tên lửa này đã được triển khai trên khắp cả nước.
"Rõ ràng, những tên lửa đó có thể bay vào không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo, nhưng họ phải chứng minh bay trong không phận quốc tế không vi phạm bất kỳ điều luật nào; còn bắn một tên lửa vào mục tiêu ở không phận quốc tế lại là một hành động chiến tranh, và sẽ được xử lý như vậy", ông Gatling giải thích.
Chuyên gia này tin rằng, Triều Tiên sẽ không định bắn chặn chiến cơ Mỹ bằng sức mạnh không quân của mình. "Có vô số vấn đề với không quân Triều Tiên", ông nói và chỉ ra thực tế các chiến cơ mới nhất của Bình Nhưỡng đều là Mig-29 từ thời thập niên 1980.
"Họ có một số máy bay tân tiến nhưng phi công chỉ được bay vài giờ mỗi năm vì thiếu nhiên liệu và họ không thể bắn thử tên lửa vì chỉ có rất ít. Vì vậy, với trang thiết bị lỗi thời, phi công được đào tạo kém, họ sẽ bị đánh bại thảm hại trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với chiến cơ Mỹ", ông Gatling nhận định thêm.