Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với thành phố Hà Nội ngày 29.9.2017.
Ngày 29.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các lãnh đạo TP.Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của thành phố 9 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những kiến nghị của thành phố tới Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, về việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách, TP.Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND TP.Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách TP.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép TP.Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.
Đáng chú ý, lãnh đạo TP kiến nghị Thủ tướng phân cấp cho Hà Nội được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ TP để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.
Lãnh đạo TP.Hà Nội đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép TP được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa; đề nghị Chính phủ cho phép TP được thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng để đảm bảo việc quản lý, cung cấp nước sạch theo “một tiêu chuẩn” là “nước sạch đô thị”; đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả; cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp huyện quản lý; cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...; cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù.
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự thống nhất với báo cáo chung do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trình bày, ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng và tổng hợp ý kiến các bộ, ngành từ Văn phòng Chính phủ.
"Hôm nay Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với TP.Hà Nội trên tinh thần cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chứ không phải tiếp tục ràng buộc, tiếp tục xin - cho. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến những kiến nghị của Hà Nội" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo. |