Sáng nay (29.9), sau 4 ngày nghị án, HĐXX công bố bản án với bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - Oceanbank) với 4 tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, Thắm bị tuyên phạt án chung thân (tội Tham ô), 19 năm tù (tội Cố ý làm trái), 18 năm tù (Vi phạm quy định về cho vay tại các tổ chức tín dụng). Tổng hợp hình phạt ba tội danh là tù chung thân.
Cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt tử hình về tội Tham ô, án chung thân do Lạm dụng chức vụ và 17 năm tù vì Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi tuyên án, thẩm phán Trương Việt Toàn đã chia sẻ với Dân Việt.
Đại án Oceanbank là có lẽ là vụ xét xử có nhiều bị cáo bị truy tố từng giữ các chức vụ lớn trong ngành ngân hàng. Giữ vai trò là người cầm cân nảy mực trong phiên tòa, ông thấy có những áp lực gì?
- Vụ án này cũng như những vụ án khác, về nguyên tắc, mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, nên là dù vụ án có nhiều các bị cáo giữ các chức vụ lớn hay đối với những vụ án mà các bị cáo là nhân dân bình thường thì người ta đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Vụ án này cũng không có áp lực gì lớn so với tất cả các vụ án khác mà tôi từng xét xử.
Thẩm phán Trương Việt Toàn. Ảnh: A.T
Ông đánh giá thế nào về thái độ khai báo của các bị cáo?
- Trong vụ án này, lúc đầu các bị cáo khai báo chưa thành khẩn, chỉ khi HĐXX thực hiện đúng chủ trương cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, HĐXX đã rất kiên trì đấu tranh với các bị cáo, viện dẫn những yếu tố để cấu thành nên tội danh mà VKS truy tố, để từ đó các bị cáo dần dần thay đổi nhận thức, chuyển thành rất thành khẩn ở giai đoạn về sau và tỏ ra rất ăn năn hối cải khi đã nhận thức rõ được hành vi của mình đang bị truy tố và xét xử.
Theo dõi phiên tòa, có thể thấy được là một phiên tòa đầy nước mắt khi nhiều bị cáo nói về hoàn cảnh phạm tội, kể cả trường hợp của cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, chứng kiến cảnh đó, ông có suy nghĩ gì?
- Cả một diễn biến phiên tòa trong gần một tháng, HĐXX có rất nhiều tâm trạng, rất nhiều suy nghĩ. Từ tâm trạng đấu tranh với tội phạm chuyển hóa sang tâm trạng một phần nào đó khi các bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, HĐXX cũng có những suy nghĩ về các hoàn cảnh của các bị cáo nói chung, trừ các bị cáo chủ mưu, đầu vụ như là Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn...
Đa số các bị cáo đều là những người làm công ăn lương, đều làm việc theo sự chỉ đạo của cấp trên cho nên nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là luôn luôn nghiêm khắc đối với những kẻ chủ mưu cầm đầu nhưng lại rất khoan hồng với những người thành khẩn ăn năn hối cải, những người này đã phải làm việc theo mệnh lệnh cấp trên. Nếu nói về suy nghĩ thì tôi có trăn trở với nhóm bị cáo là giám đốc của các chi nhánh... Suy cho cùng thì họ phải làm việc theo sự chỉ đạo của cấp trên, mặc dù họ nhận thức được việc làm đó là trái pháp luật.
Tôi cũng có một suy nghĩ thêm là tất cả các chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng đều có tổ chức Đảng nhưng sự đấu tranh của các đảng viên trước hành vi sai trái của lãnh đạo đều bị mất đi. Nếu có những đảng viên trong Đảng bộ và chi bộ ấy dám lên tiếng, mạnh dạn phát huy quyền dân chủ thì chắc rằng hậu quả sẽ không đến mức nặng nề như thế này. Mặc dù đây là một ngân hàng tư nhân nhưng đều có những tổ chức đoàn thể, song các tổ chức này gần như bị vô hiệu hóa bởi người chủ. Vì vậy, dù là một tổ chức nhà nước hay tư nhân, cần phải phát huy tính dân chủ trong mỗi tổ chức.
Từ diễn biến của phiên tòa, căn cứ vào kết quả xét hỏi và các tài liệu khác, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án liên quan đến vụ Oceanbank, đây là điều rất hiếm gặp trong hoạt động tố tụng, thưa ông?
- Thực ra khởi tố vụ án thêm, thông qua xét hỏi công khai và tranh luận công khai không phải là hiếm gặp, mà nhiều vụ án đã xảy ra. Có khác là số lượng các đối tượng bị kiến nghị để xem xét khởi tố nhiều hơn các vụ án khác. Ví dụ cơ quan điều tra đã khởi tố thêm Ninh Văn Quỳnh, HĐXX kiến nghị khởi tố thêm đối với Trưởng ban kiểm sát, đối với ông Trần Thanh Quang - Phó tổng giám đốc Oceanbank, một số các đơn vị liên quan của PVN.
Từng xét xử nhiều vụ án lớn, ông thấy vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm còn điều gì khiến ông phải suy nghĩ?
- Tôi đã xử rất nhiều những vụ án lớn, nhất là liên quan đến quan chức nhà nước thì cấp trên cứ đổi cho cấp dưới, loanh quanh chối tội, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Trong vụ án này, mặc dù các bị cáo đều làm ở cơ quan tư nhân nhưng các bị cáo rất trách nhiệm, thành khẩn khai báo và nhận trách nhiệm của mình, không đổ lỗi cho ai.
Trong phiên tòa, khi tranh luận, vị đại diện VKSND Hà Nội đánh giá việc cơ quan này “có một số quan điểm thay đổi so với bản luận tội”, trong đó đề nghị miễn hình phạt, giảm án cho hơn 20 bị cáo là một việc “ít xảy ra từ trước đến nay”, nhiều luật sư, thậm chí cả bị cáo đều đánh giá phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm đều diễn ra dân chủ, ông thấy sao? Đây có được xem là phiên xử tiêu biểu, thể hiện tính dân chủ trong xét xử để góp phần vào cải cách tư pháp, thưa ông?
- Thực ra phiên tòa diễn ra trong thời gian rất dài. Đã là trong thời gian dài thì HĐXX và các bị cáo cũng là những con người cụ thể thì tâm trạng rất mệt. Nhưng với tinh thần cải cách tư pháp với nguyên tắc là mọi người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, nên HĐXX luôn luôn giữ một thái độ rất đúng mức khi xét hỏi các bị cáo và đồng thời thông qua đó là chuyển hóa được các nhận thức của các bị cáo về hành vi vi phạm của mình từ loanh quanh chối tội đến thành khẩn nhận tội và ăn năn hối cải.
Điều này cũng nói lên việc đảm bảo công tác cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước chủ trương. Việc chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng so với thế giới, nhất là quyền con người, nên HĐXX triệt để tuân thủ nguyên tắc này.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được áp giải đến phiên xử sáng 29.9 với tâm trạng bình thường. Ảnh: Zing.
Ông cũng từng là người tham gia xét xử những vụ án lớn như Dương Chí Dũng… , những bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông thấy có sự khác biệt nào lớn so với các phiên tòa trước đó?
- Thực ra về tội danh truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì không có gì khác biệt. Có khác biệt ở đây là về nhân thân của các bị cáo. Họ đều là những người rất có năng lực, rất có trình độ, đều tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, có bị cáo là tiến sĩ luật.