Hình minh họa |
Em muốn gắn bó với anh nhưng bố mẹ em không đồng ý vì anh ấy “đầu trọc, xăm trổ, nhìn hung bạo”. Mấy lần anh ấy đến xin cưới nhưng bố mẹ em vẫn bảo đợi 1-2 năm nữa để em chín chắn hơn. Không biết có phải vì thế không mà gần đây, anh ấy hay bực dọc, cục súc. Anh ấy hay uống rượu, bực tức, mắng chửi em, có lúc còn túm tóc em bạt tới tấp.
Anh ấy cũng thường xuyên ghen tuông, cho rằng em lẳng lơ. Đã mấy lần em định chia tay thì anh ấy lại xin lỗi, dịu dàng, chiều chuộng, sau đó lại là bạo lực. Em rất yêu anh ấy nhưng cảm thấy lo ngại. Làm thế nào để thay đổi được tính cục cằn của anh ấy?
Minh Lý (Phố Nối, Hưng Yên)
Khi yêu nhau, những đức tính của người yêu, kể cả tính xấu cũng trở nên tốt đẹp, dễ thương. Vì thế, khi em cho rằng người yêu của mình thật mạnh mẽ thì ý kiến của người ngoài cuộc (bố mẹ, họ hàng) cho rằng anh ta quá nóng nảy, "đầu gấu" có phần đúng hơn.
Chính em cũng thừa nhận, anh ta đã đánh mắng em khi có điều không vừa ý. Lúc yêu nhau, say nhau còn thế, sau này cưới nhau, tình yêu nguội bớt thì anh ta còn hung hãn hơn rất nhiều. Anh ta có thể khó giữ được bình tĩnh nếu hai em có mâu thuẫn, xung đột. Thậm chí, khi tình cảm nhạt bớt, sự bực dọc, thô bạo sẽ còn có chiều hướng gia tăng. Em cần phải lường hết khó khăn.
Tính cách thô bạo hay yếu mềm được hình thành từ nếp sống gia đình. Nếu có cha hung bạo, gia trưởng thường đánh mắng vợ thì lớn lên người con trai sẽ cũng thô bạo với phụ nữ, còn con gái sẽ trở nên nhút nhát, tự ti, yếm thế. Vì thế, không bỗng chốc một lúc mà thay đổi được tính cách của một người.
Em cần tìm hiểu rõ gia cảnh của anh ta. Nếu vì quá khứ của anh ta có những tổn thương, có những nỗi đau khiến anh ta dễ nổi giận, chạm tự ái thì em cũng có thể tha thứ, cảm hoá dần dần bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Em cũng nên chú ý tránh động đến nỗi đau đó.
Còn nếu thực sự anh ta vô cớ giận dữ, thích giải quyết mọi việc bằng đánh đấm thì đó là tính cách của người thô bạo, thích bạo hành, vô văn hoá, em cần phải tránh xa trước khi quá muộn.
Tơ Hồng