Dân Việt

Du lịch y tế, khi nào hết cảnh “trâu chậm uống nước đục”?

Phan Bình Yên 05/10/2017 06:32 GMT+7
Cuối năm 2005, tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM ý tưởng làm “du lịch y tế” được đặt ra như một trong những giải pháp đột phá cho GDP. Nhưng từ đó đến nay, ý tưởng này đi vào quên lãng và giờ đây nó lại được nói đến.

Nhìn nước ngoài bắt ham

Nhiều yếu tố để người ta ra nước ngoài du lịch chữa bệnh: chi phí điều trị rẻ, tìm kiếm một phương pháp chữa bệnh mà trong nước không có, hay danh sách điều trị trong nước quá dài mà diễn tiến bệnh cấp bách, không thể chờ đợi. Du lịch y tế thường phát triển ở ba lĩnh vực chính là phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa và mổ tim.

img

Khám bệnh nhân nước ngoài tại bệnh viện đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: N.P.

Thống kê của tổ chức cung cấp thông tin du lịch chữa bệnh Patients Beyond Borders cho thấy trong năm 2013 có đến 8 triệu người trên thế giới ra nước ngoài chữa bệnh và họ tiêu tốn hết 24 – 40 tỉ USD, một con số “trong mơ” với bất kỳ quốc gia nào.

Tuy nhiên, không  phải quốc gia nào cũng biết khai thác mỏ vàng này. Quanh đi quẩn lại toàn cầu chỉ có hơn chục quốc gia chia phần du lịch y tế, trong đó nhiều nhất là châu Á và đặc biệt các nước Đông Nam Á. Một đánh giá của kênh truyền hình kinh tế CNBC của Mỹ trong năm 2014 cho thấy trong chín quốc gia hàng đầu về du lịch y tế, Đông Nam Á có đến ba quốc gia là Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Có lần trò chuyện với một bác sĩ Thái Lan, ông cho biết nước mình manh nha làm du lịch y tế cách đây 20 năm, sau thời điểm châu Á xảy ra khủng hoảng kinh tế và đây là ý tưởng táo bạo để vực dậy nền kinh tế quốc gia. Chỉ chưa đầy hai thập kỷ, trái ngọt đã đến và theo ước tính của cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT), những năm gần đây mỗi năm có hơn 800.000 du khách đến nước này chữa bệnh, góp phần mang lại cho ngân sách quốc gia… gần 1 tỉ USD!

Malaysia không hề kém. Manh nha làm du lịch y tế từ năm 2002, nhưng một thống kê cho thấy nếu trong năm 2012 có đến hơn 80% người tìm đến Malaysia, Thái Lan và Singapore chữa bệnh, thì hai điểm được tìm nhiều nhất là Kuala Lumpur và đảo Penang. Ước tính năm 2015 có hơn 850.000 du khách đến Malaysia để được chăm sóc y tế, giúp nước này thu về 220 triệu USD. Phần lớn họ từ Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh quốc, vùng Trung Đông và cả… châu Phi.

Bao giờ cho đến nước mình?

Theo thông báo, cuối tháng 9 này bệnh viện đại học Y dược TP.HCM sẽ cho ra mắt phòng khám quốc tế với mục tiêu khai thác thị trường khách nước ngoài. Khó tìm được con số du khách đến Việt Nam chữa bệnh, nhưng nếu căn cứ thống kê 15.000 lượt khám ngoại trú và hơn 1.000 lượt điều trị nội trú mỗi năm của người nước ngoài ở bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, thì con số này chẳng là gì nếu muốn làm du lịch y tế.

Nhưng nếu để ý kỹ, khách nước ngoài đến các bệnh viện Việt Nam chỉ thuộc ba đối tượng chính: bệnh nhân Campuchia, vài ba chuyên gia nước ngoài có sự cố đột xuất phải nhập viện cấp cứu, và cuối cùng là… Việt kiều.

“Không thể gọi là du lịch y tế vì chúng ta chẳng có chiến lược gì, số lượng không đáng kể và khách hàng lại không có tiềm năng. Chiếm nhiều nhất là bệnh nhân Campuchia, nhưng đối tượng này không tiêu nhiều tiền, thậm chí bệnh viện của ta còn phải chữa miễn phí vì họ quá nghèo”, một bác sĩ công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

Nói nôm na, du lịch y tế là “công nghiệp lượm bạc cắc”, nhưng đó lại là “mỏ vàng” khi khai thác số lượng nhiều.

Tuy nhiên, ngay cả lượm bạc cắc nền y tế của ta vẫn còn nhiều điều chưa làm được. Bác sĩ Phan Thanh Hải, chủ tịch hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, người trăn trở từ lâu với du lịch y tế, nói: “Để thu hút người nước ngoài, cơ sở y tế của ta phải uy tín và đạt chuẩn quốc tế, nhưng nước mình có bao nhiêu bệnh viện có JCI (Joint Commission International), chứng nhận chất lượng y tế của Mỹ danh giá nhất thế giới?”

Tính đến nay Việt Nam chỉ có ba bệnh viện và một phòng khám đạt JCI, nhưng ở các nước làm du lịch y tế mạnh chung quanh ta con số này là cả chục. Thật vậy, theo tổ chức JCI, hiện nay số cơ sở y tế đạt chứng chỉ này của Malaysia là 14, Singapore 19, còn Thái Lan… là 61! Nhưng đạt JCI đã khó, còn tạo dựng tên tuổi để thống lĩnh du lịch y tế thế giới, như bệnh viện quốc tế Bumrungrad ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) còn khó bội phần. Bệnh viện này có hơn 900 bác sĩ phụ trách 55 chuyên khoa và khám trung bình mỗi ngày… 1.000 bệnh nhân nước ngoài!

Nhưng không thể để mình ngành y tế loay hoay làm du lịch y tế. Bài học ở các nước là cần một chính sách phát triển từ phía trên cũng như sự phối hợp giữa các ngành khác nhau. Chẳng hạn đến Malaysia phần lớn du khách được cấp visa ba tháng, rất thuận tiện để chữa bệnh và lưu trú thêm ngắn hạn. Trong khi đó, để quảng bá du lịch y tế, vào năm 2015 hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines giảm 50% giá vé cho bất kỳ du khách nào đến nước này vì mục đích chữa bệnh.