Là nhà văn có rất nhiều tác phẩm về nông thôn Việt Nam gây được sự chú ý trên văn đàn, theo anh, điều gì dễ nhất và khó nhất khi viết về nông thôn, đặc biệt là nông thôn những ngày tháng này?
Nhà văn Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh (sinh năm 1959) với các bút danh Lão Tạ, Chu Quý, Quý Anh, Bình Tâm. Nguyên tên khai sinh của ông là Tạ Viết Đãng, quê ông ở thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Việt, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó Tạ Duy Anh học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên. Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1993. |
- Dễ nhất là luôn sẵn có mọi thứ để viết. Đó là môi trường sống của 80 phần trăm người dân Việt Nam. Tức là có tới 80 phần trăm, thậm chí nhiều hơn những vấn đề, những sự kiện, những loại tình huống... để người viết tha hồ khai thác, suy ngẫm, tạo cảm hứng, dùng làm chất liệu hiện thực. Nông thôn cũng là cái nôi của nhiều thứ mang tính huyền hoặc, bao gồm cả đời sống hiện sinh cũng như văn nghệ, lịch sử, dễ kích thích và là điểm tựa để người viết phiêu lưu khi tưởng tượng.
Còn khó nhất thì muôn đời vẫn chỉ có một câu trả lời, đó là viết hay. Thứ gì dễ khai thác, dễ làm thì cũng dễ nhàm.
Trong các tác phẩm về nông thôn của anh, nếu có thể đo đếm rạch ròi, yếu tố hư cấu chiếm bao nhiêu phần trăm, hiện thực bao nhiêu phần trăm? Anh muốn người đọc thu nhận được gì từ những chi tiết hư cấu hay hiện thực đó?
- Người khác tôi không biết, chứ tôi thì không thể, không có ý định và không có nhu cầu phân định xem đâu là hiện thực, đâu là hư cấu trong tác phẩm của mình. Hư cấu là cô đọng hiện thực, nhìn hiện thực theo cách chủ quan của mình, là hiện thực hơn 100 phần trăm! Nhà văn phải có khả năng khiến bạn đọc tin theo những điều mình viết, suy nghĩ về tư tưởng mà nhà văn đưa ra, không cần phải hỏi liệu nó có thực hay không. Đó là mong muốn và cũng là nhiệm vụ sáng tác của tôi.
Có ý kiến cho rằng, nếu trong các tác phẩm văn học hay điện ảnh mà chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần là mô tả hiện thực, thà họ đọc một bài báo cho rồi. Anh nghĩ gì về ý kiến này?
- Câu trả lời là nhận định đó quá đúng, mặc dù có vẻ hơi khắc nghiệt. Mô tả hay, mô tả một cách sinh động, cuốn hút cũng không dễ chút nào. Tuy nhiên, văn học không chỉ dừng lại ở mô tả. Điều này không cần phải bàn cãi gì thêm. Mỗi thể loại có sức mạnh công phá riêng vào những miền sâu thẳm trong tâm hồn con người. Khi đọc báo, người ta tiếp nhận thông tin là chủ yếu, còn khi, vẫn sự kiện ấy, nhưng được nghệ thuật hóa (qua sáng tạo của nhà văn) thì nó tác động đến toàn bộ tâm hồn người đọc, làm sinh sôi ở họ những giá trị nhân bản, khiến họ phải suy ngẫm không chỉ về sự kiện ấy, mà còn về vô số thứ khác tưởng chẳng liên quan gì.
Các tác phẩm của nhà văn Tạ Duy Anh
Trong quan điểm sáng tác của anh, nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà văn là gì?
- Tôi ít khi trình bày lý thuyết, nên tôi không mấy sẵn sàng và không có hứng thú trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu cần phải nói ngắn gọn thì chỉ thế này thôi: Nhiệm vụ quan trọng nhất-với riêng tôi - là phải sáng tạo ra một thứ gì có ích cho bạn đọc, ở phương diện thẩm mỹ và đạo đức. Bét nhất thì cũng không trở thành vô duyên với họ.
Anh nghĩ gì về quan điểm: Nhà văn phải là người tiên tri, người dự báo chứ không phải là người chép lại, thư ký của thời đại mình đang sống?
- Mọi thứ nhận định đều đúng, như người ta vẫn nói, mỗi khi phải trả lời cho xong việc! Ý tôi là, giữa lý thuyết và thực tế luôn là một khoảng cách nhiều khi dài hơn cuộc đời của một người cầm bút.
Theo anh, điều quan trọng nhất của văn học là gì, và anh cố gắng thể hiện nó trong tác phẩm ra sao?
- Điều quan trọng nhất của văn học là kích thích sáng tạo, kích thích nhu cầu thẩm mỹ, kích thích niềm vui, sự ham sống, kích thích khả năng tự vấn và khiến người đọc tạo ra sự thay đổi, tất nhiên là phải theo chiều hướng tốt lên.
Xin cảm ơn anh!