“Đặt cược” mạng sống
Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nữ với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ ở vùng ngực. Bệnh nhân là bà N.T.C (52 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội). Trước đó, bà C đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C không nghe.
TS Lê Hồng Quang khám (xem phim) để tìm phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Ảnh: Diệu Linh
"Chị em nhất là phụ nữ ngoài 40 tuổi nên thường xuyên tự kiểm tra ngực, nhìn, sờ để phát hiện màu sắc, khối u bất thường, tốt nhất là sau sạch kinh 5 ngày. Chị em cũng nên đi khám định kỳ để được các bác sĩ chuyên khoa sản, chuyên khoa ung thư tư vấn, khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú. Với các ca ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 80 - 90%”. PGS - TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư |
Bà C cho hay, theo lời mách nước, bà nhờ người làng mua thuốc lá của bà lang trên vùng núi với lời quảng cáo: “Chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não...”. Bà C đã dùng lá đắp vào phần vú có khối u. Dù cảm thấy nóng rát, đau tức nhưng bà C lại tin đó là thuốc đang “có tác dụng”. Cho đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ thì con cái mới ép bà đi khám.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bà C được chẩn đoán bị nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá. Phần hoại tử đã lan rộng sang nách, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách. Điều đáng tiếc là khối u xâm lấn, di căn sang nhiều bộ phận của cơ thể, chuyển sang ung thư giai đoạn cuối. Dù cắt bỏ toàn bộ vú nhưng tính mạng bà C vẫn khó tiên lượng.
TS, bác sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K T.Ư) cũng chia sẻ, ông cũng đã gặp rất nhiều ca ung thư vú nhưng bệnh nhân tự đắp lá linh tinh, dẫn đến viêm nhiễm, lở loét. “Có nhiều trường hợp khiến chúng tôi phát hãi. Khối u hoại tử, lở loét, hôi thối kinh khủng. Lúc đấy việc điều trị vô cùng khó khăn vì da thịt hoại tử, thối rữa. Chúng tôi vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót vì da thịt ở tuyến vú đã trở thành một mớ hỗn độn” – TS Quang nói.
TS Quang cho biết, không chỉ người bệnh ở vùng sâu vùng xa lạc hậu như vậy mà ngay cả người ở thủ đô, có trình độ văn hoá cũng gặp nhưng sai lầm nghiêm trọng, thiếu hiểu biết như vậy. Theo TS Quang, khi được chẩn đoán ung thư, có nhiều người bệnh có xu hướng buông xuôi “muốn đến đâu thì đến”, nhưng có một số người lại rơi vào “tự kỷ ám thị”, không thừa nhận thực tế bệnh tật, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học. Họ tìm phép màu, tìm hy vọng ở các bài thuốc lá, các phương pháp chữa ung thư dân gian qua lời mách nước, quảng cáo của bạn bè, dư luận… Các bài thuốc này thường được tuyên truyền, thổi phồng tác dụng như “thuốc tiên”, “thần dược” chữa ung thư khiến nhiều người mê muội nghe theo. Thậm chí, họ còn tin rằng khi đắp thuốc, da thịt loét nhưng khối u sẽ được “hút” ra một cách tự nhiên và bệnh sẽ khỏi.
“Hậu quả là khối u to còn hoại tử nên các bác sĩ phải cắt bỏ phần ngực rộng hơn, sâu hơn. Nghiêm trọng nhất là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn, không thể cứu được tính mạng bệnh nhân” – TS Quang nhấn mạnh.
Vừa thẩm mỹ ngực đã bị ung thư vú
TS Quang còn chia sẻ, gần đây, ông gặp ít nhất 5 ca bệnh nhân nữ ung thư vú mà trước đó đã đi phẫu thuật nâng ngực. Có bệnh nhân mới nâng ngực được 1 năm rưỡi, nhưng cũng có người đã phẫu thuật 10 năm.
“Việc nâng ngực không tác động gì đến việc ung thư vú. Việc đặt túi ngực cũng thường dưới cơ ngực, trong khi u vú thường nằm trên mô mềm phía trên cơ ngực, do đó không cản trở gì đến việc phát hiện khối u nếu nó xuất hiện” – TS Quang nói thêm.
Theo TS Quang, hiện nay nhu cầu phẫu thuật nâng ngực của phụ nữ rất lớn. Khi thực hiện nâng ngực, các chị em cần phải đi khám tầm soát ung thư vú sớm để biết mình có bị ung thư hay không rồi mới nâng ngực. Nếu vừa nâng mà đã bị ung thư vú thì sẽ lãng phí số tiền lớn mà tâm lý cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mà đang đẹp bỗng dưng “một mất một còn” hoặc “xẹp lép” cả hai.
TS Quang cho biết, số ca mắc ung thư vú hiện nay khá nhiều. Mỗi năm, khoa Ngoại vú điều trị cho khoảng 1.800-2.000 bệnh nhân, bệnh nhân nội trú cũng thường có từ 60-70 người. Độ tuổi trung bình mắc ung thư vú ở Việt Nam là 45-55, thấp hơn 10 - 15 năm so với phụ nữ Âu Mỹ (55-70 tuổi). Hơn 80% số ca ung thư vú phải cắt bỏ một hoặc cả hai bên ngực.