Dân Việt

HLV Lê Thụy Hải hiến 3 kế làm “cách mạng” bóng đá Việt Nam

Đông Hưng (tổng hợp) 02/10/2017 10:10 GMT+7
HLV Lê Thụy Hải rất ủng hộ ý kiến của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà. Thậm chí còn thẳng thắn đưa ra 3 kế sách.

Để tìm hướng đi phát triển nhất, hôm 28.9 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi gặp mặt với các đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tại đây Phó Thủ tướng đã chỉ ra những điểm nóng của bóng đá nước nhà, cách điều hành của VFF cũng như lắng nghe các ý kiến đóng góp chuyên môn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL cần tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà.

img

HLV Lê Thụy Hải.

Trước ý kiến của phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, HLV Lê Thụy Hải rất ủng hộ. Thậm chí cựu Giám đốc Kỹ thuật B.Bình Dương và FLC Thanh Hóa còn không ngần ngại đưa ra 3 kế sách để làm “cách mạng” bóng đá Việt Nam trong buổi trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ.

“Là người luôn đau đáu với sự phát triển của bóng đá, nếu tôi được mời tham dự cuộc họp mở rộng tìm kế sách phát triển bóng đá nước nhà, tôi sẽ mạn phép đóng góp vài ý kiến như sau:

1- Theo tôi, chủ tịch VFF phải là người có tầm, có tâm và đặc biệt là tiếng nói của vị ấy phải có trọng lượng đối với các LĐBĐ địa phương cũng như lãnh đạo ở địa phương.

Tầm và tâm ở đây là sự bao quát, biết hoạch định chiến lược, đưa ra những dự án chiến lược ngắn hạn- dài hạn để từng bước vực dậy nền bóng đá nước nhà.

VFF phải tìm cách tự chủ hoàn toàn về nguồn kinh phí, đừng nên ngửa tay chờ đợi sự cấp phát từ ngân sách nhà nước trong việc duy trì các đội tuyển quốc gia hay thuê HLV ngoại.

Và điều quan trọng là tất cả các thành viên của VFF khi được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành rồi thì phải cùng nhau xắn tay áo vào làm việc chứ đừng nên tham gia “cho vui” hay vào VFF để đánh bóng hình ảnh cá nhân. Và tất nhiên là không nên tham gia cuộc chơi để mưu cầu lợi ích nhóm.

2- Chủ tịch không nhất thiết là người có chuyên môn bóng đá mà đòi hỏi phải đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo sáng suốt, đúng chủ trương đường lối và thật sự hành động vì phong trào chung.

Với một người đứng đầu như vậy, đòi hỏi cấp dưới của chủ tịch VFF phải là những người có nghề, là dân chuyên môn để từ đó tham mưu cho chủ tịch về định hướng phát triển của bóng đá phong trào, bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao.

3- Ở góc nhìn của mình, tôi cho rằng chủ tịch VFF phải là người của nhà nước thì sẽ rất thuận lợi trong công tác đối ngoại, tạo được tiếng nói có trọng lượng với lãnh đạo các địa phương trên cả nước. Có như vậy thì sự hoạt động của các CLB mới thuận lợi hơn về mọi mặt. Sở dĩ tôi nêu ra gợi ý này là vì cơ sở vật chất trên toàn quốc đều do địa phương quản lý, CLB bóng đá chuyên nghiệp chỉ là đối tượng thuê sân tổ chức thi đấu, tập luyện chứ không được tự chủ hoàn toàn về sân bãi.”