Tuy nhiên, những gói kích cầu này cho đến nay vẫn rất khó triển khai vì... xa rời thực tế.
Theo quy định, đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch sẽ được cho vay để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước lên tới 100% giá trị hàng hóa. Khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 2 năm đầu và từ năm thứ 3 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay.
Nông dân ở ĐBSCL khó cơ giới hóa vì thiếu vốn. |
Nông dân bị đánh đố
Dẫn chúng tôi đi thăm vạt đồng rộng mênh mông ở xã Lạc Tấn (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), lão nông Hai Bé, trầm ngâm: “Cả gia đình tôi có chục ha lúa, gồm 2ha ở đây và 8ha ở vùng Đồng Tháp Mười. Lâu nay xài máy móc mua của Trung Quốc cứ hư lên hư xuống, sửa tốn tiền chịu không thấu nên tôi định đi vay vốn ưu đãi đổi dàn máy xịn. Thế nhưng danh mục máy móc mà ngân hàng đưa ra không có cái nào tôi ưng ý. Thành ra không vay ưu đãi được”.
Ông Hồ Văn Dậu (chủ cơ sở thu mua và chế biến thủy sản ở tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông định vay vốn mua máy móc, thiết bị nâng hạ, xe vận chuyển chuyên dùng vận chuyển thủy sản và thiết bị xử lý phế phẩm sau chế biến để “nâng cấp” cơ sở lên công ty. Nhưng danh mục thiết bị phải mua theo quy định không phù hợp.
Còn ông Trương Quang An – Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Châu Thành, Long An) thì cho rằng, các xã viên muốn đầu tư hệ thống chiếu xạ nhưng khi tham khảo danh mục máy móc (mà phía ngân hàng chấp thuận) thì mọi người đồng lòng… thôi không làm nữa.
Ông Trần Hoài Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An) cho biết, dù là huyện thuần nông chuyên canh cây lúa, nhưng chẳng có nông dân nào trong huyện có thể vay vốn kích cầu để mua máy móc.
“Nông dân vùng này cần nhất là máy gặt đập liên hợp, nhưng máy sản xuất trong nước lại không đáp ứng chất lượng. Hiện máy Trung Quốc nông dân còn không thèm xài nói chi máy nội địa. Do diện tích lớn trong khi lao động thiếu hụt nên dân Mộc Hóa chỉ chuộng máy Nhật vừa nhanh vừa bền. Thành ra không vay được vốn ưu đãi” – ông Bảo nói.
Nông dân khát vốn
Sau nhiều tháng đưa chính sách vào cuộc sống, Quyết định 63 về vay vốn ưu đãi có thể xem như đi vào “vết xe đổ” của Quyết định 497 trong lĩnh vực cho vay mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cả ngàn tỷ đồng vẫn nằm ì trong các ngân hàng trong khi nhu cầu về vốn của nông dân rất cao.
Ông Lý Nam Hải – Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Việt Nam Chi nhánh Cà Mau cho biết, tính riêng trong hệ thống ngân hàng do ông phụ trách đã có hàng ngàn tỷ đồng được nông dân vay sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vay theo gói kích cầu 497 rồi tới 63 gần như không hiệu quả vì danh mục máy móc sản xuất nông nghiệp được vay vốn để mua quá ít, do nông dân không có sự lựa chọn.
“Trong thời điểm hiện nay, được vay vốn miễn lãi suất 2 năm đầu, rồi giảm 50% ở năm tiếp theo thì nông dân nào cũng ham. Nhưng cứ đụng vào danh mục ở trên đưa xuống lại chỉ biết thở dài vì máy móc nằm trong danh mục không đáp ứng nhu cầu của họ”.
Ông Kiều Mạnh Minh – Giám đốc Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh Tiền Giang nói: “Chúng tôi thừa vốn hàng trăm tỷ đồng, rất muốn cho nông dân vay mua sắm máy móc. Nhưng thực tế lại không giải ngân được vì “vướng” quy định phải mua máy sản xuất nội địa.
Hiện các chủ trương trên đưa xuống đôi lúc vẫn chưa đồng bộ nên áp dụng thực tế rất khó. Trong khi ngân hàng thừa tiền, nông dân lại khát vốn mà không giúp gì được, chúng tôi hết sức trăn trở”.
Sẽ sửa Quyết định 63
Trao đổi với NTNN, ông Đoàn Xuân Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Sau khi Quyết định (QĐ) 63 được ban hành, Bộ NNPTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn để thực hiện QĐ này, đồng thời Bộ NNPTNT cũng đã có hai QĐ về việc công bố danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, chủ yếu ở khu vực ĐBSCL được hỗ trợ theo QĐ trên. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các tổ chức, cá nhân này vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn vay việc triển khai thực hiện QĐ này rất chậm”.
“Sắp tới đây, Bộ NNPTNT sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan họp bàn để tháo gỡ những vướng mắc này. Chúng tôi cũng đang dự kiến có thể sẽ phải sửa một số nội dung trong QĐ này, nhưng tinh thần nội dung chính sẽ vẫn được thực hiện như QĐ đã ban hành” - ông Hòa tiết lộ.
Ông Hòa cho biết: “Hiện chúng tôi rất mong muốn phía ngân hàng sớm giải ngân để hỗ trợ người dân sớm mua được máy móc sản xuất, vì khu vực ĐBSCL là khu vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn và rất quan trọng của cả nước. Mặt khác, đây là chính sách rất tốt của Chính phủ, càng sớm thực hiện sẽ càng có lợi cho người nông dân”.
Theo QĐ 63, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch gồm: Thiết bị xay xát gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70%); máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê, các thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê (steam, đánh bóng ướt…) và các công trình xử lý nước thải kèm theo; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao; thiết bị lọc màng bán thấm (coating), chiếu xạ, tiệt trùng bằng hơi nước nóng đối với rau quả tươi, hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại chợ đầu mối… sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.
Ngọc Lê (ghi)
Hữu Danh