Ở hơn 3 năm chưa đăng ký tạm trú tạm vắng, không ai kiểm tra
Theo khảo sát của PV Dân Việt, tại các khu vực quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… có khá nhiều trường đại học (ĐH) như ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp, ĐH Kiến trúc…
Theo đó, những khu vực lân cận như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Phùng Khoang, Xuân Đỉnh, Mỹ Đình, Cổ Nhuế, làng Phú Đô… có khá nhiều khu trọ dành cho sinh viên, người lao động.
Nhiều người được hỏi cho rằng hiện thủ tục khai báo và đăng ký tạm trú, tạm vắng mất nhiều thời gian để chuẩn bị các giấy tờ có liên quan nên họ còn e ngại trong việc đi đăng ký.
Mặt khác, nhiều người không ngụ cư cố định trong thời gian dài mà do tính chất công việc “nay đây, mai đó” nên đã không thực hiện các thủ tục này.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những loại giấy tờ “rườm rà” như cần phải có phiếu xác minh hai chiều (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký thường trú), các loại hợp đồng… khiến người dân thấy phiền hà trong thủ tục hành chính.
Công tác quản lý, đăng ký tạm trú tạm vắng ở Hà Nội vẫn còn rườm rà, lỏng lẻo. Ảnh: Thành An
Tìm theo các con ngõ 79, 93, 165 đường Cầu Giấy (Cầu Giấy) có hàng nghìn phòng trọ được cho thuê. Tại dãy nhà trọ trong ngách nhỏ của ngõ 93, nhiều người thuê trọ được hỏi cho biết hầu hết họ thuê trọ ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ đăng ký tạm trú tạm vắng. Trong 1-2 năm nay thậm chí họ còn không thấy ai đến kiểm tra nên cũng bỏ qua thủ tục bắt buộc này.
“Khu vực này các phòng hầu như cũng đã kín hết phòng. Mỗi phòng rộng khoảng 15m2. Hầu hết đều ở ghép 2-3 người trở lên. Về việc khai báo tạm trú, từ khi chuyển về đây ở đến nay, tôi không thấy lực lượng công an đến kiểm tra thường xuyên nên cũng không để ý đến việc đi khai báo”, L.T.M (thuê trọ đã hơn 3 năm tại khu vực này) cho biết.
Còn chị N.T.V (24 tuổi, trong khu trọ tại làng Phùng Khoang, Nam Từ Liêm) chia sẻ, khi là sinh viên chị ở trọ nhiều nơi như: Cổ Nhuế, Mễ Trì... nhưng chị cũng như các sinh viên ít khi đi đăng ký khai báo tạm trú, tạm vắng. Lực lượng công an khu vực cũng ít khi đi kiểm tra. Nhiều người đi làm lao động tự do cũng hầu như không thực hiện việc này.
“Một phần vì những người thuê trọ mang tính chất tạm bợ, cũng hay di chuyển chỗ trọ nên không đăng ký. Một phần vì thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng hiện nay còn cần nhiều giấy tờ như phiếu xác minh hai chiều, hợp đồng làm việc, thuê nhà… mất nhiều thời gian nên không đi đăng ký. Thực tế các khu nhà trọ có rất đông người nên lực lượng quản lý cũng không thể nắm hết được” - chị V bày tỏ.
Tại khu phòng trọ trong ngách nhỏ ngõ 37 Dịch Vọng (Cầu Giấy), chúng tôi thấy biển “cho thuê phòng trọ sinh viên”, gọi vào số điện thoại trên biển và gặp chủ cho thuê, khi được hỏi về thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng ở đây, bà H nói: “Nếu các em thích đăng ký tạm trú tạm vắng thì phôtô chứng minh tư nhân dân và nộp ảnh cho chị, chị sẽ làm giúp các em. Nhưng ở đây hầu hết mọi người không ai đăng ký cả, nhà chị mấy chục phòng trọ bao nhiêu người ở đây có bị kiểm tra đâu, an ninh rất tốt”.
Tổng kiểm tra để phòng chống tội phạm?
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP.Hà Nội - cho biết, mục đích của đợt tổng kiểm tra hộ khẩu nhằm nắm tình hình các nhân khẩu, thường trú, tạm trú, số người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang cư trú trên địa bàn; rà soát, xác định chính xác các loại đối tượng quản lý theo quy định tại Thông tư số 09, 08 của Bộ Công an.
Đợt tổng kiểm tra hộ khẩu lần này sẽ kết hợp thực hiện dữ liệu dân cư, bên cạnh đó phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Việc tổng kiểm tra sẽ kết thúc vào 24h ngày 15.11.2017.
Nhiều khu nhà trọ trên địa bàn Hà Nội, người thuê trọ chưa đăng ký tạm trú tạm vắng dù ở thuê đã nhiều năm. Ảnh: Thành An
Về vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo Luật Cư trú, những người thuê trọ trong vòng 30 ngày phải làm thủ tục khai báo tạm trú với công an sở tại.
Mặt khác cơ quan công an cũng cần phải nắm được tình hình dân cư nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nếu không quản lý được tình hình dân cư, cư trú có thể dẫn tới những hệ lụy rất nguy hiểm.
Ví dụ như có những đối tượng lạ mặt, đối tượng trộm cắp… có thể ảnh hưởng tới những người trong khu vực. Hoặc những vấn đề khác như vấn đề dân số, chất lượng cuộc sống…
Trao đổi với PV, một cán bộ Sở Tư pháp Hà Nội cho hay: Hiện nay, một số thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch, tư pháp, khai sinh, khai tử… đang được các cơ quan tư pháp rà soát lại.
Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được Bộ Công an xây dựng. Khi cơ sở này được đưa vào vận hành, các cơ quan tư pháp sẽ cấp mã số định danh cho công dân.
Nếu hoàn thành được Kho dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có đầy đủ các thông tin của công dân mà không cần xuất trình quá nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Việc quản lý dân cư cũng sẽ đơn giản hóa và thuận lợi hơn nhiều.
Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013, cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Theo khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt. |
Từ lâu, ai cũng biết rằng chế độ quản lý hộ khẩu đã là rào cản tiến thân của rất nhiều người. Tuy nhiên, dù có...