Nhiều biệt dược gốc hết hạn bản quyền
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trên thị trường Việt Nam có 1.200 mặt hàng thuốc BDG, chiếm 5% tổng số mặt hàng thuốc. Ông Sơn lý giải, các loại thuốc BDG được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền nhưng lại không có cơ chế để kiểm soát giá. Giá thuốc BDG, kể cả biệt dược hết hạn bảo hộ được bán với một giá thống nhất và không thay đổi sau nhiều năm và chỉ phụ thuộc vào sự kê khai giá của các hãng cung cấp thuốc (ở nhiều quốc gia khác, BDG khi được sử dụng lâu năm sẽ dần dần được giảm giá).
Thời gian tới, các bệnh viện tuyến T.Ư phải giảm tỷ lệ sử dụng thuốc BDG bằng 30% tổng chi thuốc (Ảnh: Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư). ảnh: Diệu Linh
Theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban dược và vật tư y tế (BHXH Việt Nam) nhiều thuốc BDG đã hết hạn bảo quyền nhưng lại có giá chênh lệch lớn với thuốc generic nhóm 1 (thuốc tương đương sinh học với BDG về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ- PV) cùng hoạt chất, nồng độ. Cụ thể như thuốc tiêm Ceftriaxon 1g, tên thương mại là Rocephin, các hội đồng đấu thầu trúng giá là hơn 181.440 đồng/lọ, trong khi thuốc cùng loại nhóm 1 có tới 10 nơi đăng ký giá trúng thầu trung bình chỉ từ 25.000 - 27.000 đồng/lọ (chênh khoảng 7 lần). Thuốc Meropenem 1g, tên thương mại là Meronem, trúng thầu là hơn 700.000 đồng/lọ, trong khi thuốc này ở nhóm 1 ở các hội đồng đấu thầu chỉ có giá trúng thầu trung bình là: 296.000 đồng/lọ (chênh hơn 2 lần). Thuốc Paclitaxel 100ng có giá trúng thầu tới 3.927.000 đồng/lọ, còn thuốc thuộc nhóm 1 với giá trúng thầu trung bình 871.000 đồng/lọ (chênh hơn 4 lần).
Như vậy, khá nhiều thuốc đã hết hạn bản quyền nhưng vẫn “núp bóng” BDG để đội giá rất cao so với các thuốc thông thường cùng hoạt chất.
Trước đó, tại thời điểm Bộ Y tế công bố 698 thuốc BDG, theo BHXH Việt Nam trong số này có tới 447 thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền. Nếu dùng các thuốc generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thống nhất tỷ lệ sử dụng BDG năm 2018. Cụ thể, đối với các bệnh viện tuyến T.Ư, giảm tỷ lệ sử dụng tối đa thuốc BDG bằng 30% tổng chi thuốc; bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng tối đa 5% và bệnh viện huyện không được dùng BDG.
Bệnh viện kêu khó...
Về việc phải siết chặt sử dụng BGD trong bệnh viện, PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư nhận định, quy định này giúp hạn chế sử dụng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng hay không sử dụng thuốc BDG phụ thuộc chẩn đoán hỗ trợ từ vi sinh lâm sàng cho các thầy thuốc. Nếu vi sinh vật vẫn còn nhạy với thuốc genric thì đương nhiên vẫn dùng. Còn nếu trong trường hợp vi sinh vật đã kháng nhiều thuốc thì buộc bác sĩ phải dùng BGD hiện đại nhất.
“Nguyên tắc là thuốc còn đang nhạy cảm với vi sinh vật thì dùng để làm tăng hiệu quả điều trị, giúp người bệnh nhanh khỏi chứ không phải căn cứ vào giá thuốc
Theo BHXH Việt Nam, năm 2016, BDG được sử dụng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là hơn 8.200 tỷ đồng bằng 26% tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ sử dụng BDG tại bệnh viện tuyến T.Ư bằng 47% số chi thuốc tại bệnh viện tuyến này, tương tự tại tuyến tỉnh là 24% và tuyến huyện là 7%. |
BDG gốc cao thì không sử dụng. Việc dùng thuốc hợp lý đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bác sĩ điều trị lâm sàng với bác sĩ vi sinh lâm sàng”- ông Kính nói.
PGS Kính cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện có đủ trang thiết bị để xác định các mầm bệnh vi sinh vật gây bệnh từ sớm, thậm chí chỉ cần 5-7 phút. Như vậy khi phát hiện ra kháng nguyên gây bệnh thì đương nhiên các bác sĩ sẽ đề ra kháng sinh đồ phù hợp, như vậy việc lựa chọn kháng sinh sẽ hợp lý hơn. Nhờ đó, bệnh viện chỉ dùng 30-40% các thuốc BDG.
Theo PGS Kính, đáng tiếc hiện nay không phải tất cả các bệnh viện đều có được các thiết bị hiện đại như vậy. “Nếu không có hướng dẫn của vi sinh lâm sàng thì việc lựa chọn thuốc của bác sĩ sẽ khó khăn. Nếu như họ lựa chọn thuốc genric không còn nhạy với vi sinh vật thì bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn, mãi đến khi xuất hiện các biến chứng hoặc nguy hiểm đến sinh mạng thì người ta mới chuyển lên tuyến trên. Nhưng lúc đó có thể việc điều trị đã muộn rồi... Đây cũng là bài toán khó khăn cho các bệnh viện tuyến dưới nếu phải dùng BDG theo tỷ lệ quy định” – PGS Kính nói.
PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cũng nhận định, việc siết sử dụng BDG có thể cũng gây khó khăn trong việc điều trị: “Các bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến cuối thường bệnh nặng, kháng nhiều thuốc cũ nên các bác sĩ thường phải dùng BGD mới hiệu quả”. /.