Chả thấy liên kết đâu, chỉ gánh thêm nợ
Để làm rõ những vấn đề trong việc lắp đặt bể biogas không đạt quy chuẩn của các thành viên tổ hợp tác chăn nuôi vừa và nhỏ tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khiến người dân bức xúc trong thời gian qua, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu từ phía người dân và chính quyền địa phương.
Bà Đào Thị Nguyệt ở thôn Tiền Phong, xã Thạch Đài trao đổi với PV Dân Việt
Cụ thể, bà Đào Thị Nguyệt ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài cho biết: “Trước đó, gia đình tôi đã chăn nuôi lợn rồi. Sau khi lãnh đạo xã, Hội Phụ nữ huyện và tỉnh có đến khảo sát vận động chúng tôi vào tổ hợp tác, lúc đó họ nói nếu vào có nhiều cái lợi như công ty cung ứng con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm..., nên tôi mới vào. Đặc biệt, thời điểm đó có chủ trương khi làm mô hình người dân sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ. Giờ liên kết đâu chả thấy mà chỉ thấy lâm nợ”.
Ông Phan Đình Thắng - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi vừa và nhỏ xã Thạch Đài cho hay: “Chính đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh và Hội Phụ nữ huyện giới thiệu doanh nghiệp liên kết rồi cùng với xã đi khảo sát, vận động chúng tôi làm mô hình. Nhưng khi làm xong mô hình các thành viên trong tổ hợp tác không ai được nhận tiền hỗ trợ vì bể biogas không đạt chuẩn vì do đơn vị cung ứng. Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị nhưng chưa được giải quyết”.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho biết: “Năm 2016, Thạch Đài về đích NTM nên vận động xây dựng mô hình tổ hợp tác chăn nuôi lợn. Trong quá trình xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ và giới thiệu Công ty Gia Bảo Lê liên kết với người dân. Và bể biogas cũng do Công ty Gia Bảo Lê cung cấp cho các thành viên trong tổ hợp tác. Lúc lắp đặt, Công ty họ hỗ trợ trực tiếp cho người dân 2 triệu đồng/bể biogas. Quá trình xây dựng Hội Phụ nữ tỉnh giám sát, còn Phòng Nông nghiệp và Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện hướng dẫn kỹ thuật”.
Chị Đào Thị Dung ở thôn Tiền Phong thuộc hộ nghèo kể lại sự việc vì lâm nợ
Chỉ là "cấu nối" giữa dân và doanh nghiệp
Ông Hải cho biết thêm: “Thời điểm đó cán bộ tỉnh Hội Phụ nữ là chị Hòa (Phó Ban Kinh tế) và huyện Hội là chị Bính (Bà Nguyễn Thị Bính- Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thạch Hà) cũng lăn lộn với người dân. Tuy nhiên, khi huyện về nghiệm thu công trình cũng không nói đạt hay không, mà đến khi Đoàn liên ngành về kiểm tra chúng tôi mới biết là mô hình không đạt. Với lãnh đạo xã chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm bởi trong quá trình làm chúng tôi đã không nắm vững các quy định. Sau đó huyện đã tổ chức đối thoại và giải thích cho người dân”.
Còn bà Nguyễn Thị Bính-Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Thạch Hà cho hay: “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đỡ đầu xã Thạch Đài trong xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, Hội Phụ nữ, người dân và chính quyền cùng phối hợp để làm. Hội Phụ nữ tỉnh và huyện chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và người dân. Còn cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho người dân. Ở đây chúng tôi cũng có một phần lỗi bởi vì là người tuyên truyền nhưng lại không nắm hết được những quy định để trao đổi với dân. Chứ bây giờ không thể đổ lỗi cho bên nào cả. Vì khi doanh nghiệp về để làm thì giữa doanh nghiệp với chính quyền và người dân đã có sự thống nhất rồi họ mới làm”.
“Hiện nay, Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh về hỗ trợ chương trình này đã hết. Chúng tôi đang kiến nghị xem có thể linh động lồng ghép được các hộ dân này vào chương trình khác để hỗ trợ cho họ phần nào. Ở đây không phải do chất lượng của bể biogas không đảm bảo chất lượng mà là do bể biogas không đúng theo quy chuẩn”-bà Bính nói.
Sau nhiều lần người dân có ý kiến và UBND huyện Thạch Hà chỉ đạo xử lý, vừa qua UBND xã Thạch Đài đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ mỗi hộ dân trong tổ hợp tác mỗi hộ 5 triệu đồng. |