Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Tài xế đưa tiền lẻ, BOT tuyến tránh Biên Hòa không xả trạm; Cảnh sát PCCC giải cứu gần 1.000 xe máy chìm dưới hầm; Cán bộ Hà Nội phải hạn chế dùng tiếng địa phương...
Xúc động: Giáo sư Nguyễn Anh Trí nghỉ hưu, nhiều người rơi nước mắt
Clip: Cuộc chia tay hiếm có của GS.TS. Nguyễn Anh Trí trước khi rời Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Xúc động hình ảnh bệnh nhân và các thầy thuốc đã chia tay ông Trí. Ảnh: BVCC
Giáo sư Nguyễn Anh Trí chính thức không còn làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ 1.10.2017 để nghỉ hưu. Hơn 30 năm công tác trong ngành Y tế, ông đã trở thành người anh hùng của ngành huyết học và truyền máu Việt Nam.
Trong khoảng 10 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, ông Trí và các cộng sự đã làm thay đổi bệnh viện này với nhiều cải cách hiếm bệnh viện làm được, như:
- Nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần
- Đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu
- Thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ...
Từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành huyết học truyền máu đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, nâng tỷ lệ máu hiến tặng từ người tình nguyện lên chiếm đa số trong tổng số máu sử dụng trong điều trị cho người bệnh.
Buổi chia tay đặc biệt cảm động và có nhiều giọt nước mắt khi giáo sư Trí đã đến từng phòng ban chia tay cán bộ nhân viện.
Rời nhiệm sở, ông Trí có thời gian chuyên tâm làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, trước đó trong kỳ bầu cử Quốc hội 2016 ông là người tự ứng cử duy nhất trúng cử.
Trên trang cá nhân của nhiều thầy thuốc Viện huyết học truyền máu T.Ư hôm nay đã dành những tình cảm đặc biệt cho cựu Viện trưởng.
Nhiều người không giấu được xúc động đã ôm chặt vị bác sĩ thân yêu của mình. Ảnh VOV
Nói về những dự định sau khi nghỉ hưu, có lẽ ở Giáo sư Nguyễn Anh Trí sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề chưa bao giờ tắt: “Tôi là một người đam mê công việc, mà nhất là nghề Y, tôi yêu họ, tôi yêu nghề Y này, tôi muốn được cống hiến”. Giáo sư đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để khi về hưu vẫn có thể tiếp tục cống hiến, với vai trò là một giáo sư đầu ngành về huyết học – truyền máu. “Ở mảng này, tôi có điều kiện để phát huy tất cả những kinh nghiệm, những kiến thức mà mình có được để phục vụ nhân dân, phục vụ những nỗi đam mê rất lớn lao khi tôi trở thành sinh viên y khoa tại trường Đại học Y Hà Nội”.
Cũng trong ngày làm việc cuối cùng trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhiều bệnh nhân không giấu được xúc động đã ôm chặt vị bác sĩ thân yêu của mình và khóc nức nở, GS Nguyễn Anh Trí đã nói: “Được cứu chữa cho bà con, được phục vụ cho nhân dân là niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của tôi!”
Tài xế đưa tiền lẻ, BOT tuyến tránh Biên Hòa không xả trạm
Như ngày hôm qua, sáng nay (3.10), việc tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm lại bắt đầu diễn ra từ lúc gần 7 giờ.
Các tài xế đưa tiền lẻ lái xe đi theo hướng Bắc- Nam, là các tài xế xung quanh khu vực trạm trong đó có một số xe chuyên chở công nhân.
Khi xuất hiện xe đưa tiền lẻ, trạm BOT lập tức tìm cách điều hành để chống kẹt xe nhưng cũng như nhiều lần trước, lượng xe ở khu vực vẫn nhanh chóng ùn ứ.
Tài xế đưa tiền lẻ mua vé tại trạm BOT Biên Hòa lúc 7 giờ sáng 3.10
Lực lượng CSGT đã phải túc trực tại trạm từ rất sớm để điều tiết giao thông, khác với các lần trước, lần này CSGT chỉ tham gia điều tiết ở vòng ngoài.
Tuy vậy, sáng nay, trạm BOT không xả trạm. Sau khi các xe có tài xế dùng tiền lẻ đi qua, giao thông tại đây trở lại bình thường.
Như vậy, 3 lần trong 2 ngày liên tiếp, trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa rơi vào tình trạng "nóng" vì phản ứng quyết liệt của giới tài xế.
Cảnh sát PCCC giải cứu gần 1.000 xe máy chìm dưới hầm
Đại diện Cảnh sát PCCC TP HCM cho biết những ngày qua đường dây nóng của đơn vị liên tục nhận được những thông tin yêu cầu hỗ trợ từ người dân về việc ngập nước.
Theo thống kê, từ ngày 21-.đến 2.10, lực lượng đã thực hiện đến 14 vụ hút nước ngập ở các khu dân cư. Riêng quận 2, có đến 6 điểm ngập ở hầm xe chung cư, cao ốc.
Những ngày qua TP.HCM ngập khắp nơi do mưa to xuất hiện. Ảnh NLĐ
Như vậy, đã có gần 1.000 phương tiện xe gắn máy và rất nhiều xe ô tô đã được lực lượng PCCC hút nước giải cứu.
"Trong mùa mưa này lực lượng Cảnh sát PCCC phải luôn trong trạng thái sẵn sàng 100% lực lượng ứng phó với thiên tai", đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM thông tin.
Được biết, vào thời điểm này năm ngoái TP HCM đối mặt cơn mưa lịch sử. Theo đó, Cảnh sát PCCC TP đã điều động 63 lượt xe, 381 cán bộ, chiến sĩ và 70 máy bơm tham gia cứu hộ tại 44 điểm ngập xảy ra trên địa bàn TP để hỗ trợ người dân.
Cán bộ Hà Nội phải hạn chế dùng tiếng địa phương
Cán bộ, công chức Hà Nội khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương. Ảnh VNN
Cán bộ, công chức Hà Nội khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc.
Sở VH&TT Hà Nội vừa trình UBND TP dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.
Theo dự thảo, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Cán bộ, công chức khi phát ngôn không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.
Ngoài ra, những người khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết.
Cục phó mất gần 400 triệu tường trình "mang tiền đi mua đất"
Trong tường trình gửi cấp trên, Cục phó Nguyễn Xuân Quang khẳng định số tiền mang theo là của gia đình và để mua đất.
Ngày 3.10, theo tin từ Bộ Tài nguyên Môi trường, trong bản tường trình ông Nguyễn Xuân Quang - Cục phó Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cho biết tổng số tiền mang từ Hà Nội vào Long An là 400 triệu đồng; toàn bộ số tiền đều có mệnh giá 500.000 đồng.
Số tiền trên được ông Quang cuốn trong quần áo, bỏ ba lô và mang theo diện hành lý xách tay qua cửa khẩu sân bay Nội Bài.
Khi vào khách sạn tại Long An, ông Quang bỏ 385 triệu đồng vào cặp đựng laptop, còn 15 triệu đồng để vào ví. Đến sáng 26.9, ông Quang phát hiện mất cặp chứa laptop và 385 triệu đồng. Riêng số tiền trong ví gồm tiền mặt và 2.300 USD vẫn còn và đã được công an lập biên bản ghi nhận.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) sẽ tiếp tục công tác thanh tra theo kế hoạch tại một số tỉnh Tây Nam Bộ. Ảnh minh hoạ: VNE
Cũng trong giải trình, ông Quang giải thích nguồn gốc số tiền 400 triệu mang từ Hà Nội vào là "để đầu tư đất với người nhà trong TP.HCM". Trong số các doanh nghiệp thuộc diện thanh tra tại tỉnh Long An, ông Quang cho hay đã thanh tra được năm doanh nghiệp, đồng thời khẳng định thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của đoàn thanh tra.