Clip: Cuộc chia tay hiếm có của GS.TS. Nguyễn Anh Trí trước khi rời Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Những ai đã từng tiếp xúc với GS.Nguyễn Anh Trí đều có chung tình cảm quý trọng với vị Giáo sư tài giỏi, có tấm lòng bao dung.
Chiều 3/10, khi chúng tôi có mặt tại viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chỉ mới nhắc tới GS.Nguyễn Anh Trí đã có không ít đôi mắt đỏ hoe và những cái bặm môi thật chặt của cả bệnh nhân và nhân viên ở đây.
Bài giảng cuối cùng trước khi về hưu GS Trí nói nhiều về tâm và đạo đức của bác sĩ (ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Là một người đã gắn bó với với GS.Nguyễn Anh Trí 19 năm, BS. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, viện Huyết học Truyền máu Trung ương, không giấu nổi sự hụt hẫng trước việc GS. Trí về hưu.
BS.Thanh Bình kể từng bị GS.Trí mắng nhiều lần trong quá trình làm việc. Ban đầu BS.Thanh Bình cũng tự ái, nhưng sau đó ngẫm ra mới hiểu những lần mắng đó là những lần làm cho mình tiến bộ hơn.
BS. Võ Thị Thanh Bình (Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, viện Huyết học Truyền máu Trung ương) vẫn hụt hẫng
Theo chia sẻ của BS.Bình, gần đây nhất bác sĩ được dự buổi giảng bài của GS.Trí, ngoài tri thức chuyên ngành, bà còn nhận được từ GS.Trí những kiến thức mà chẳng sách vở nào có, đặc biệt là những lời nhắn nhủ về chữ tâm và đạo đức ngành y.
"Tôi còn nhớ mãi câu nói của Giáo sư: Là người bác sĩ, bên cạnh việc cứu người thì tình cảm, tấm lòng của bác sĩ với người bệnh là vô cùng quan trọng. Tình cảm, tấm lòng đó phải xuất phát từ chính cái tâm", BS.Thanh Bình kể.
Là một người đã khóc rất nhiều trong giây phút chia tay GS.Nguyễn Anh Trí, chị Bùi Bích Ngọc, nhân viên khoa Dinh dưỡng của Viện cũng không giấu nổi xúc động khi được hỏi về những tình cảm mà Giáo sư đã dành cho mọi người.
Chị Ngọc đã khóc rất nhiều trong giờ phút chia tay GS.Trí
Dẫu biết, việc GS.Nguyễn Anh Trí nghỉ hưu đã có kế hoạch từ trước và ai cũng có sự chuẩn bị nhưng khi đối diện với chuyện ấy, tất cả lại là sự hụt hẫng, sự ngậm ngùi.
"Khoa của tôi hàng ngày phục vụ cơm cho lãnh đạo, nhân viên và cả bệnh nhân của Viện. Tuần trước, khi mọi người lên phòng chú để chào, mình không dám lên vì mình sợ sẽ xúc động, sẽ lại khóc trước mặt chú.
Khi các anh chị về nhắn tin, kể chuyện bảo rằng, chị ơi, hôm nay phòng chú dọn rồi, đồ đạc cũng được đóng gói. Chỉ mới nghe thế thôi tôi đã thấy cổ mình nghẹn ứ.
Tôi cũng từng lên phòng chú xin ý kiến, xin chữ kí nên khi nghe mọi người nói thế, trong tôi là hình ảnh căn phòng của chú trống trơ nên tôi rất buồn", chị Ngọc xúc động.
Mỗi lần nhớ lại giây phút chia tay ấy, chị Ngọc lại nghẹn ngào
Nói rồi chị Ngọc nhớ lại thời điểm GS.Nguyễn Anh Trí đi tới từng khoa phòng để từ biệt các nhân viên, chị Ngọc cùng một số người trong khoa đứng xếp hàng để ngóng chờ Giáo sư tới.
Lúc ấy, trong chị Ngọc là cảm xúc như từ biệt người thân của mình.
"Khi chú xuống, cảm xúc vỡ òa trong chúng tôi. Chú bắt tay rồi ôm từng người. Thậm chí, hôm đó chị Vân, một nhân viên của khoa chúng tôi có việc bận nên không có mặt, chú còn hỏi "Vân đâu nhỉ?".
Khoa chúng tôi chỉ là một khoa nhỏ của bệnh viện không liên quan gì tới chuyên môn nhưng chú vẫn nhớ mặt, nhớ tên nhân viên.
Ngày hôm qua, sau khi chia tay chú về, chúng tôi trở lại công việc hàng ngày nhưng thực sự rất buồn và lưu luyến.
Mọi người lại phải tự bảo nhau tập trung công việc nhưng đến khi về và cả ngày hôm sau đi làm lại hình dung ra cảnh, chú xuống nhà ăn và bảo, "cho chú ăn nhé".
Thậm chí, tôi luôn tự hỏi mình, lúc này chú ăn uống ra sao, có ai hỏi chú ăn gì không?", chị Ngọc khẽ mỉm cười khi nhớ lại những chuyện xúc động với vị lãnh đạo mà chị rất trân trọng và yêu quý.
Thậm chí, mấy ngày nay chị Ngọc vẫn vào facebook của GS.Nguyễn Anh Trí để đọc những điều Giáo sư cũng như mọi người chia sẻ về việc Giáo sư nghỉ hưu.
Và chị lại nhớ tới lời Giáo sư nói trong lễ chào cờ buổi chia tay: "Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công", như một lời nhắn nhủ mọi người phải đoàn kết thì mới tiến được tới thành công.
Đó là tất cả tình cảm thực sự mà chị Ngọc nói riêng cũng như những nhân viên y tế của viện Huyết học Truyền máu Trung ương dành cho GS.Nguyễn Anh Trí chứ không phải thứ tình cảm mang tính hình thức.
"Tôi yêu nơi này"
Là người có cơ hội 2 lần được gặp GS.Trí, bé Lý Kim Ánh (13 tuổi, quê Bắc Giang, đang điều trị tại khoa Tan máu bẩm sinh) chia sẻ: "Cháu rất buồn khi bác về hưu, cháu cảm ơn bác đã dành hết tâm huyết để chữa trị cho chúng cháu.
Cháu chúc bác sau khi về hưu sẽ tiếp tục nghiên cứu để những người bệnh như chúng cháu không phải chết".
Bà Thuyết mong Giáo sư ở lại bệnh viện thêm nhiều năm nữa
Trước những tình cảm mà các bác sĩ, người bệnh dành cho mình, GS.Nguyễn Anh Trí xúc động chia sẻ: "Tôi yêu tập thể này! Họ là những đồng nghiệp, là đồng chí, là học trò, là nhân viên... và họ cũng là những người tôi rất đỗi thân thương và yêu quý!
Bệnh nhân nữa, những người đã đưa lại cho tôi nỗi đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời tôi - đứng chờ tôi để được bắt tay, để nói lời cảm ơn và còn để ôm tôi mà khóc!
Tôi thương họ lắm! Và tôi đã nói: Được cứu chữa cho bà con, được phục vụ cho nhân dân là niềm vui và hạnh phúc vô bờ bến của tôi!".