Chính sách không hề ít nhưng dường như cũng quá nhiều chính sách luôn như những đường thẳng chạy song song với cuộc sống. Ở Sóc Trăng, hồi đầu năm 2010, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để giảm tổn thất sau thu hoạch.
Theo đó, khi mua máy GĐLH - không phân biệt máy nội địa hay ngoại nhập - nông dân sẽ được vay vốn 70% giá trị máy và được hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm. Tỷ lệ hao hụt trong thu hoạch và sau thu hoạch lúa của Sóc Trăng bấy giờ lên tới 13-15%. Với sản lượng lúa đạt bình quân 1,9 triệu tấn/năm thì chỉ riêng lượng hao hụt của Sóc Trăng có lẽ đủ cứu đói cho cả ngàn hộ mỗi tháng.
Nhưng "chính sách địa phương" này không thực hiện được vì vướng phải một "chính sách trung ương". Quyết định 63 của Chính phủ ra đời sau đó mấy tháng quy định máy GĐLH, hay tuốt lúa hay gì gì đó phải là hàng trong nước hoặc có tỷ lệ nội địa hóa 60%.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng có lần phát biểu với báo chí: "Đối với máy GĐLH, phần quan trọng nhất và có giá trị cao nhất là động cơ và hộp số, nhưng cả 2 phần này đều phải nhập. Do đó, dù là máy lắp ráp trong nước cũng khó đạt 60% nội địa hóa". Và còn bởi nông dân không tin hàng nội "bỏ cả trăm triệu đồng ra mua mà cái bulong vặn vài vòng đã chờn ren" thì họ sẵn sàng mua máy ngoại, dẫu là đắt và không được hỗ trợ.
60% nội địa hóa là một tỷ lệ đánh đố. Một quy định quá xa với thực tế. Quyết định 63 "chạy song song với cuộc sống" đến nỗi sau đúng 1 năm ban hành, Bộ NNPTNT có công văn kêu với Ngân hàng Nhà nước can thiệp, bởi nông dân "hầu như chưa tiếp cận được nguồn vốn vay và hỗ trợ lãi suất".
Câu chuyện hàng nội hoặc tỷ lệ nội địa hóa đã là một trong những lý do chính cản trở nguồn vốn đến được tay nông dân. Và "trường hợp 63" cũng không phải là cá biệt. Bởi ngay cả những "chiếc máy nội" như quy định trong gói kích cầu nông nghiệp theo Quyết định 497 cũng bộc lộ những quy định khó thực hiện trong thực tế.
Đảm bảo tài chính cho Quyết định 63 là 40 nghìn tỷ đồng. Đảm bảo cho Quyết định 497 là 17 nghìn tỷ đồng.
Nhưng số tiền thực sự xuống được tới đồng ruộng, đến được tay nông dân vẫn là một dấu hỏi lớn. Tại sao những chính sách mà mục đích tốt đẹp đến như vậy mà lại không thể đi vào cuộc sống? Câu trả lời là sự quan liêu của chính sách, là khoảng cách giữa chính sách và cuộc sống.
Nguyên nhân của hai đường song song cũng đã được chỉ ra. Các chính sách nói chung, thậm chí ngay cả Nghị quyết 10- nông dân thường gọi là Khoán 10 - một chính sách ngay lập tức đi vào cuộc sống, cởi trói cho cuộc sống- cũng không hề được tổ chức đánh giá độc lập sau đó.
Và dù nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được đầu tư nhiều với rất nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu với đủ mọi loại cấp, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhưng theo TS Vũ Trọng Khải thì:"Dường như quá trình ban hành chính sách của bộ máy công quyền và quá trình nghiên cứu khoa học của giới học thuật (cũng) là 2 đường thẳng song song".
Anh Đào