Dân Việt

Cô gái hóa bà lão ở Hội An bây giờ ra sao?

Tấn Việt 08/10/2017 16:31 GMT+7
Sau 22 năm chạy chữa căn bệnh lão hóa khắp trong và ngoài nước, cô gái hóa bà lão tại Hội An (Quảng Nam) ngày càng tiều tụy, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.

33 tuổi già như U70

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1984, trú khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An), người không may mắc chứng bệnh lão hóa sớm hiếm gặp khiến nhiều bệnh viện đau đầu tìm cách chữa trị nhưng không thành.

Căn nhà chị Mai đang ở của bà Nguyễn Thị Mứt (56 tuổi, khối Thanh Nam, mẹ ruột chị Mai) nằm lọt thỏm trên con đường Trần Quang Khải, ven bờ sông Hoài. Khi chúng tôi tìm đến nhà, chị Mai vừa được người em trai chở từ một phòng khám tư nhân về với dáng vẻ tiều tụy, bước đi liêu xiêu, khác hẳn với những hình dung về người phụ nữ trẻ qua giọng nói khá trong trẻo, nhẹ nhàng lúc chị điện thoại chỉ đường vào nhà. “Mệt quá nên phải đi bác sĩ tiêm thuốc”, chị Mai thở dài.

img

Chị Mai cùng đội ngũ bác sĩ tại Đài Loan năm 2012 - Ảnh: AFP

Theo chị Mai, cứ trái gió trở trời, toàn thân chị lại đau nhức, đầu đau như búa bổ. Nhiều ngày liền, người phụ nữ 33 tuổi không ăn được cơm, cân nặng giảm còn 28kg. Người nhà nấu gói mì thì chị cũng chỉ ăn được vài miếng là lại bỏ, uống nước cũng khó khăn. Ngồi ở góc nhà hồi tưởng lại quá trình chữa bệnh đầy gian khổ, chị Mai than thở: “Giờ thì không còn hy vọng gì nữa”.

Chị kể, năm 11 tuổi, khi bắt đầu có dấu hiệu dậy thì và cơ thể thay đổi như bao người bạn cùng trang lứa, chị bất ngờ phát hiện 2 tay mình nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Được gia đình đưa đi khắp các bệnh viện, phòng khám tại Hội An nhưng không ai chỉ rõ bệnh khiến chị càng lo lắng. Cứ dăm ba ngày, các mẩn đỏ lại xuất hiện. Khoảng 1 năm sau, cơ thể chị bắt đầu sưng húp lên, da nhão ra. Bạn bè dị nghị, đồn đoán đủ thứ khiến chị tủi thân, đi học xong thì về thẳng nhà chứ không vui chơi cùng chúng bạn như trước.

Trong suốt những năm học phổ thông, chị Mai chống chọi với chứng mẩn ngứa nhưng sức khỏe vẫn tốt. Đến năm 2004, ra trường, chị Mai về làm thuê cho một xưởng may gần nhà.

Tại đây, chị tình cờ gặp anh Trần Thanh Thương (SN 1976), cháu của người chủ xưởng may. Tình cảm bén nở, 1 năm sau, 2 anh chị quyết định kết hôn. Lần giở album ảnh cưới, chị Mai bùi ngùi tiếc vẻ thanh xuân của mình. Trong các bức ảnh, người thân, bạn bè quây quần chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Cũng trong ảnh, chị Mai nhìn rất xinh xắn. Người chụp ảnh cưới cho chị khi đó đã khéo léo che đi 2 cánh tay sưng tấy của chị.

Những tưởng hạnh phúc viên mãn khi chị hạ sinh liên tiếp 2 đứa con kháu khỉnh, “đủ nếp đủ tẻ”. Vậy mà khi con trai út đầy 4 tháng tuổi, cơ thể chị Mai bắt đầu lão hóa nặng, da dẻ toàn thân nhão, gương mặt chị gần như biến dạng với nhiều nếp nhăn, vết chân chim…, trông không khác bà lão 70 tuổi. Quá hoảng sợ, người nhà đưa chị Mai đi “vái tứ phương”, dùng các loại thuốc đông, tây y nhưng đều không ngăn được chứng lão hóa, kinh tế gia đình kiệt quệ.

Mãi đến năm 2011, được một số nhà hảo tâm kết nối, vợ chồng chị Mai khăn gói ra Đà Nẵng để các y bác sĩ đầu ngành khắp các tỉnh, thành làm hội chẩn tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Hồi đó, thông tin về chị Mai rần rần trên các báo, thu hút cả giới y khoa và dư luận. Qua nhiều lần hội chẩn, BS. Trần Bá Thoại (Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cùng hội đồng y khoa nhận định chị mắc biến chứng lão hóa da, viêm mao mạch dị ứng, biến đổi cặp nhiễm sắc thể số 8… dẫn đến già trước tuổi. Các phác đồ điều trị được bệnh viện ứng dụng, hỗ trợ miễn phí cho chị Mai. “Tìm được bệnh, tôi cũng mừng thầm trong bụng vì nghĩ sẽ được chữa khỏi. Bệnh viện chữa trị miễn phí nên tôi càng thêm động lực. Gia đình hồi hộp theo dõi từng chuyển biến của bản thân”, chị Mai kể.

img

Chị Mai (bên phải) dù mới 33 tuổi nhưng già hơn cả mẹ ruột (bên trái) của mình

Chuyến đi Đài Loan và lời đồn quái ác

Năm 2012, khi báo chí bắt đầu đưa nhiều tin, bài về chứng bệnh là của chị Mai, cơ duyên đưa chị gặp một người phụ nữ tên Sang (công tác tại Văn phòng đại diện Trade Center tại TP.HCM - 1 tổ chức xúc tiến thương mại phi lợi nhuận trực thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan, Trung Quốc). Sau nhiều cuộc điện thoại kết nối, tháng 4.2012, chị Mai cùng em trai sang Đài Loan nhờ cặp vé máy bay miễn phí. “Sang đến nơi lạ nước lạ cái, lại bất đồng ngôn ngữ, may mắn là bên đó họ cho xe của Bệnh viện Đại học Trung Hoa đón chị em tôi tận sân bay”, chị Mai nói.

Một tháng rưỡi điều trị miễn phí tại Đài Loan, chị Mai được một cô gái người Việt tên Nụ làm tình nguyện viên chăm sóc. Cũng tại đây, nhiều y bác sĩ đầu ngành hợp sức thực hiện một ca phẫu thuật cho chị Mai. Ca mổ được nhiều báo quốc tế đưa tin là thành công mỹ mãn. Chị Mai xuất viện với vẻ tươi tắn, gương mặt căng phồng vì được bác sĩ kéo căng da, xóa nếp nhăn.

Chưa kịp mừng, chỉ sau gần một năm, chị Mai lại giật mình khi thấy mình trong gương đang ngày một già trở lại. Da mặt thêm nhăn nheo, người gầy gò, tiều tụy khiến bao nhiêu ước mơ sụp đổ.

Hết hy vọng, chị Mai càng thêm tuyệt vọng và đau đớn trước những lời đồn pha ác ý của một số người. “Họ bảo tôi được đài thọ nhiều tỷ đồng sau chuyến đi Đài Loan khiến nhiều người kéo đến nhà bàn tán, thậm chí xin tiền. Cả gia đình dùng nhiều lời lẽ, bằng chứng giải thích cũng không xua tan được miệng lưỡi những người ác tâm”, chị Mai kể.

Bà Nguyễn Thị Mứt kể thêm, việc bị gán nhận nhiều tiền ở nước ngoài khiến khoảng cách hai bên sui gia xa thêm. Chị Mai rơi vào cảnh túng quẫn, chỉ biết gắng gượng sống vì 2 con thơ dại.

“Ăn bám gia đình”

Lời chị Mai đầy chua xót! 6 năm qua, bệnh trở nặng khiến chị mất sức lao động. Chồng chị Mai chạy xe ôm, thu nhập không đủ trang trải cho cả 3 mẹ con. Chị đành phải đưa 2 con về nương tựa nhà mẹ ruột. Ngoài tiền gom góp của chồng mỗi tháng hơn triệu đồng đưa nuôi con, mẹ con chị Mai nhờ cả vào hàng tạp hóa nhỏ của bà Mứt. Cha chị Mai năm nay cũng gần 70 tuổi nhưng vẫn phải đi làm phụ hồ, tất cả chỉ đủ ăn qua bữa.

Hai con chị Mai học cùng một trường tiểu học, hôm thì chị em tự đèo nhau bằng xe đạp, hôm phải nhờ người nhà đưa đón. “Tội 2 đứa con bị bạn bè dị nghị, nói sao mẹ mi già thế, nghĩ mà ứa nước mắt. Sức khỏe tôi thì ngày càng yếu, mỗi tháng 3-4 lần phải đi tiêm thuốc giảm đau, mỗi mũi tiêm mất 200.000 đồng đều là tiền chắt bóp, dành dụm”, chị Mai cho hay.

Hộ khẩu hiện tại của chị Mai hiện vẫn ở nhà riêng của 2 vợ chồng tại phường Cẩm Phô (Hội An), được đưa vào hộ cận nghèo với vỏn vẹn tấm thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều lần, tổ dân phố làm hồ sơ cho chị vào diện trợ cấp xã hội nhưng vì nhiều điều kiện không thỏa mãn, hồ sơ bị hoãn lại. “Giờ tôi chỉ mong 2 đứa con học hành chăm ngoan, số phận tôi đã vậy rồi, trời kêu thì dạ thôi”, chị Mai nói.

Chiều 21.9, trao đổi với PV qua điện thoại, BS. Trần Bá Thoại cho biết, lâu nay chỉ nghe thông tin về chị Mai qua báo chí. Bản thân ông cũng mong có dịp gặp lại chị Mai để tìm hiểu hiện trạng bệnh. Theo BS. Thoại, BV Hoàn Mỹ đã dành số tiền lớn để gửi các mẫu xét nghiệm ra Hà Nội, các cơ sở y tế bên Pháp tìm căn nguyên bệnh, điều trị miễn phí cho chị Mai.
“Ngay từ đầu, chúng tôi tiên lượng việc điều trị cho chị Mai rất lâu dài, khó khăn và không thể chắc chắn 100%. Nhưng chị Mai không theo hết quy trình điều trị này. Việc chị Mai được ra nước ngoài điều trị theo tôi có sự mập mờ, không đúng bản chất. Hiểu nôm na, chúng tôi chữa cái “căn” (gốc gác gây bệnh) cho chị Mai. Còn cơ sở bên Đài Loan chữa bằng biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ, nên giờ bệnh không hết mà dẫn đến một số tác dụng phụ, khiến việc lão hóa của chị Mai càng nặng hơn”, BS. Trần Bá Thoại cho biết.
Xuân Huy (Ghi)
Gia cảnh túng quẫn, 2 con đang tuổi ăn học, mẹ con chị Mai rất cần sự chung tay sẻ chia của cộng đồng. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ trực tiếp số điện thoại của chị Nguyễn Thị Ngọc Mai: 01642.509.961.