Ở tuổi 82 ông mới nhận được Giải thưởng “Công dân thủ đô ưu tú”, thêm với đó là việc được Bộ VHTTDL đưa vào danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, ông có thấy vui?
- Cách đây mấy ngày, tôi có nhận được giấy mời đến dự lễ trao Giải thưởng “Công dân ưu tú” của UBND TP. Hà Nội. Tôi hơi bất ngờ, không nghĩ là lại có sự ghi nhận như vậy. Nói về tuổi cao thì đợt này cùng với tôi còn có nhà văn Tô Hoài (92 tuổi) và nhà nghiên cứu Giang Quân (84 tuổi) hay một vài nhân vật khác nữa.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Tôi không biết Ban Thi đua khen thưởng thành phố xét theo khía cạnh nào vì có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác cho Hà Nội khác nữa, có lẽ họ xét tôi ở chỗ có nhiều đóng góp cho đời sống âm nhạc Hà Nội.
Cuối tuần vừa rồi, tôi cũng có biết được thông tin Bộ VHTTDL đã thông qua hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tôi, nhiều người bảo là tại họ bị dư luận, báo chí “ép tới chân tường” rồi, không thể không thông qua, chứ tôi đâu có làm đơn xin.
Nghĩa là việc được đưa vào danh sách xét Giải thưởng Hồ Chí Minh này cũng chưa làm ông thấy hài lòng?
- Nói thực lòng là đến giờ phút này, tôi vẫn không quan tâm lắm đến giải thưởng, có giải thưởng hay không thì các ca khúc tôi của vẫn còn đó, người dân vẫn hát, có mất đi đâu mà sợ. Cái tôi cần là các bạn báo chí nên làm thế nào đó để người ta chấm dứt cơ chế “xin cho” giải thưởng đi, cách làm đó cũ lắm rồi, bây giờ nghệ sĩ vẫn phải kê khai làm hồ sơ, để cho Hội đồng thẩm định chấm điểm từng tác phẩm thì có khác gì đem tác phẩm đi thi không? Mà Hội đồng thẩm định thì chắc gì đã hội đủ những người có tầm và có tâm?
Chắc ông cũng thường xuyên theo dõi tin tức xung quanh đợt xét giải lần này, ông thấy điều gì chưa hợp lý?
- Cái quan trọng nhất: giải thưởng phải là sự động viên đúng lúc cho người nghệ sĩ thì lại bị bỏ qua, đợi đến lúc người ta tàn tạ rồi mới trao giải thì buồn lắm. Một giọng ca quý như Trọng Tấn cuối cùng cũng chẳng được danh hiệu gì vì chưa đủ năm trong biên chế thì thật là buồn cười. Hồi trước, anh Đặng Thái Sơn, cô Lê Dung có giải quốc tế về là được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân ngay, lúc ấy có ai đòi hỏi năm biên chế không, có ai kiện cáo là không xứng đáng không, sao bây giờ trao giải thế nào để lắm người thắc mắc thế?
Việc sáng tác thời điểm này có điều gì làm ông băn khoăn không?
- Cái tôi băn khoăn nhiều nhất là bây giờ không có ai quan tâm viết bài hát cho thiếu nhi, các nhạc sĩ trẻ sung sức thì chỉ viết cho các ngôi sao để họ thu âm băng đĩa, viết cho thiếu nhi thì làm gì có tiền. Hà Nội mở rộng rồi, nông thôn rộng ra, trẻ em ở nông thôn phải được quan tâm nhiều hơn. Bây giờ muốn xóa khoảng cách nông thôn thành thị phải đưa văn nghệ về nhiều hơn với nông thôn, cứ để họ đói tinh thần như vậy cũng không được.
Quay trở lại với Giải thưởng “Công dân thủ đô ưu tú”, chắc hẳn ông cũng có nhiều điều tâm huyết để nói với Hà Nội?
-Tôi sinh ra ở Hà Nội, gắn bó với thành phố này cũng đã hơn 80 năm nay, tôi thấy vấn đề giao thông ở Hà Nội bây giờ là đáng sợ nhất. Hà Nội mở rộng hơn nhưng đường đi lối lại thì hình như chật hẹp hơn, nội thành thì đông đúc, còn mạn Hà Đông thì lại vắng vẻ. Người Hà Nội thì đi lại không còn nhường nhịn nhau, văn hóa giao thông bây giờ chỉ có chen lấn, rất đáng buồn.
Ngọc Anh (thực hiện)